Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 09/07/2015 00:35Lượt xem: 1295
Cải thiện sức khỏe sinh sản, giảm tử vong mẹ là một trong những cam kết mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Mặc dù sức khỏe bà mẹ đã được cải thiện một cách đáng kể, tuy nhiên tại các vùng miền núi, vùng dân tộc, tỷ lệ tử vong mẹ vẫn cao gấp ba đến bốn lần so với các vùng khác.
hứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, tỷ lệ tử vong đối với bà mẹ đã giảm một cách đáng kể trong vòng hai thập kỷ qua, từ 233 ca tử vong/100 nghìn ca (năm 1990) xuống còn 69 ca tử vong/100 nghìn ca (năm 2009), giảm hai phần ba số ca tử vong mẹ liên quan đến thai sản. Mặc dù đã có sự cải thiện rõ rệt về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em nhưng ước tính mỗi năm ở nước ta vẫn còn khoảng từ 580 đến 600 trường hợp tử vong mẹ và có sự khác biệt khá lớn giữa các vùng miền núi và khu dân cư. Tại các tỉnh miền núi, chỉ số này gấp ba lần so với vùng đồng bằng.
Theo báo cáo của Chương trình "Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh" được triển khai tại 14 tỉnh miền núi, trong đó có 10 tỉnh vùng núi phía bắc cho thấy, cứ 521 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) thì sẽ có một trường hợp tử vong mẹ. Nguy cơ tử vong mẹ cao nhất ở Điện Biên, cứ 148 phụ nữ ở tuổi sinh đẻ thì có một tử vong mẹ. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ ở các vùng Tây Bắc là 13,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên là 5,3% và thấp nhất là các tỉnh vùng Đông Bắc là 3,3%. Tỷ lệ chênh lệch này cũng phản ánh sự thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản đã gây tăng tử vong mẹ. Số trường hợp tử vong cao nhất thường gặp ở những bà mẹ mù chữ, không nghề nghiệp và sống trong tình trạng thu nhập thấp, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số có nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với phụ nữ dân tộc Kinh.
Theo bà Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), nguyên nhân của tình trạng nói trên là do việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh còn nhiều hạn chế; tình trạng sinh con không có cán bộ y tế đỡ còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị cho khoa sản, khoa nhi ở nhiều trung tâm y tế huyện, xã còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị cấp cứu sản phụ và trẻ em.
Bên cạnh đó, do hạn chế kinh phí, cán bộ làm công tác sản khoa, sơ sinh không được đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên, dẫn đến có những hạn chế về kỹ năng, nhất là những kỹ năng cứu sống bà mẹ và trẻ sơ sinh. Trong khi đó, tại những vùng này, phong tục tập quán còn lạc hậu, có những nơi duy trì tập quán sinh con tại nhà hay khoảng cách và thời gian vận chuyển sản phụ đi cấp cứu quá xa cũng là một lý do khiến tỷ lệ tử vong mẹ tại các vùng dân tộc miền núi tăng cao. Năng lực chuyên môn của cán bộ y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, theo dõi, tiên lượng xử trí cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh. Ngoài ra, nhiều trung tâm y tế huyện, xã còn có biểu hiện chủ quan, chưa thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy định chuyên môn trong chẩn đoán, tiên lượng và xử trí cấp cứu khi có tai biến xảy ra.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong Chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế, mục tiêu cơ bản là "Cải thiện tình hình sức khỏe phụ nữ và các bà mẹ, giảm tử vong và bệnh tật của mẹ, giảm tỷ lệ chết và tỷ lệ mắc bệnh của các bà mẹ, giảm tỷ lệ chết trẻ em ở các vùng và các nhóm dân cư khác nhau, đặc biệt chú ý tới các vùng sâu, vùng xa và vùng hưởng phúc lợi từ các chính sách của Chính phủ". Đến nay, về cơ bản mục tiêu này đã đạt được. Tuy nhiên, đối với một số tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản chưa đạt được.
Do đó, trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trong đó quan tâm đầu tư hơn nữa cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản từ trung ương đến tuyến huyện, xã, nhất là đối với vùng miền núi, dân tộc. Đầu tư, đào tạo kỹ năng năng lực chuyên môn cho đội ngũ y tế tuyến huyện, xã, bố trí đủ cán bộ cho các khoa sản, khoa nhi và bảo đảm trang thiết bị cần thiết cho cấp cứu hồi sức sản khoa.
Phấn đấu đến cuối năm 2015, có 80% số cán bộ y tế làm công tác sản khoa ở tuyến tỉnh, 70% tuyến huyện, xã đạt tiêu chuẩn của y tế thôn bản. Bảo đảm chế độ chính sách thu hút cán bộ chuyên môn, cán bộ giỏi về công tác lâu dài ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ban hành quy định về nghĩa vụ xã hội đối với bác sĩ về công tác ở vùng sâu, vùng xa thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù đối với đội ngũ y tế thôn bản người dân tộc thiểu số.