Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 09/07/2015 00:38Lượt xem: 1277
Ngày 13/5/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương (thuộc Trung ương Đoàn) phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số tổ chức phát động cuộc thi đề xuất sáng kiến thúc đẩy việc tiếp cận dịch vụ và thông tin về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên. Cuộc thi kéo dài từ 13/5-30/8/2015, đối tượng chính tham gia là thanh niên từ 16-30 tuổi.
Cuộc thi đề xuất sáng kiến thúc đẩy việc tiếp cận dịch vụ và thông tin về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên là cơ hội để cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên cũng như các chuyên gia thể hiện khả năng, sự sáng tạo, đề xuất những sáng kiến hữu ích trong truyền thông, tiếp cận dịch vụ và thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên, thanh niên. Đây cũng là dịp để mỗi thanh niên nhận thức đầy đủ hơn vai trò, khả năng của mình trong việc góp phần tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho người thân, cộng đồng, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.
Với 90 triệu dân, thanh thiếu niên ở tuổi từ 10-19 chiếm khoảng 1/3 dân số. Đại diện cho một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động, song nhiều thanh thiếu niên, thanh niên thiếu kiến thức và kỹ năng sống thiết yếu để có thể quan hệ tình dục an toàn và đang phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, đặc biệt là nhóm yếu thế như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn, di cư dẫn đến nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Phát biểu tại lễ phát động, bà Ritsu Nacken - Quyền Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: Chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới nhằm giải quyết nhu cầu của giới trẻ và nâng cao khả năng đưa ra các quyết định tích cực về vấn đề sức khỏe tình dục của họ. Những cách tiếp cận này cần dựa trên sự hiểu biết rằng thanh thiếu niên có thể đưa ra quyết định có trách nhiệm, trong đó môi trường hỗ trợ phải phù hợp với nhu cầu và quan điểm của thanh thiếu niên.