Hiểu đúng về việc vợ chồng tự quyết định số con

Thứ năm - 09/07/2015 00:37    Lượt xem: 1197
Gần đây, một số phương tiện truyền thông đăng tải thông tin “các cặp vợ chồng được quyền quyết định số con”, tuy nhiên, trả lời chính thức về vấn đề này, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, thông tin này không chính xác. “Mỗi cặp vợ chồng được quyết định số con là vấn đề rất nguy hiểm chỉ là việc sinh con tự phát, không phù hợp với chính sách dân số của Việt Nam”, ông Lê Cảnh Nhạc khẳng định.
Theo ông Lê Cảnh Nhạc, từ trước đến nay, công tác dân số là một cuộc vận động xã hội rộng lớn để các cặp vợ chồng quyết định về số lượng con, khoảng cách, thời điểm sinh con, phù hợp với chính sách dân số. Đây cũng là mục tiêu của công tác dân số Việt Nam.
 
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã tổ chức cuộc vận động thực hiện chính sách dân số và đã giữ được mức sinh thay thế (2,1 con/1 phụ nữ) trong suốt 10 năm qua. Nếu duy trì mức sinh thay thế này càng lâu thì càng có lợi có sự phát triển kinh tế - xã hội.
 
“Chính vì vậy, nếu chỉ truyền thông về sinh con có trách nhiệm là chưa đầy đủ, chưa chính xác với chiến lược dân số của Việt Nam”, ông Nhạc nhấn mạnh.
 
Báo cáo điều tra về dân số của Tổng cục Thống kê mới đây đã đưa ra 3 kịch bản của dân số Việt Nam, gồm khi mức sinh tăng, tỷ suất sinh đạt 2,3- 2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2049, dân số Việt Nam sẽ đạt 140 triệu người; khi mức sinh quá thấp,  tỷ suất sinh ở mức 1,35 con/phụ nữ, quy mô dân số Việt Nam đạt 95-100 triệu người vào năm 2049; duy trì mức sinh thấp một cách hợp lý, với tổng tỷ suất sinh 1,9- 2,0 con/phụ nữ, dân số Việt Nam sẽ đạt 115 triệu người vào năm 2049.
 
Với 3 kịch bản này, đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ khẳng định, 2 kịch bản đầu không phù hợp với chiến lược dân số của Việt Nam.
 
Ông Lê Cảnh Nhạc lý giải, nếu dân số Việt Nam theo kịch bản 1 là duy trì mức sinh cao, khoảng 140 triệu người vào năm 2049, khi đó mật độ dân số nước ta sẽ tăng từ 273 người/km2 (hiện nay) lên 400 người/km2 (năm 2049). Điều này sẽ tạo ra áp lực lớn cho xã hội và sự phát triển kinh tế.
 
Với kịch bản 2, khi duy trì mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đi vào “vết xe đổ” của một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... khi nền kinh tế bị thiếu hụt nguồn lực lao động, sức sản xuất hạn chế, sự phát triển xã hội gặp nhiều bế tắc.
 
Do vậy, chiến lược dân số Việt Nam phải theo kịch bản duy trì mức sinh thấp hợp lý. Đây cũng là mục tiêu đến năm 2020 trong chiến lược về dân số và sức khỏe sinh sản của nước ta.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, quan điểm của Bộ Y tế vẫn giữ quy định mỗi cặp vợ chồng được sinh 1 hoặc 2 con. “Để nới lỏng chính sách dân số cần có thêm thời gian để theo dõi", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết.
 
Ông Tiến dẫn chứng, mức sinh trung bình trong cả nước là 2,1 con/phụ nữ, nhưng tại một số tỉnh, thành phố, vùng miền, mức sinh rất khác biệt. Ví dụ, khu vực miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên mức sinh còn cao, nhưng tại TP HCM, khu vực Đông Nam Bộ, ĐBSCL, mức sinh đã xuống 1,3-1,5 con/phụ nữ.
 
“Nếu nới lỏng chính sách dân số bằng việc trao quyền cho các cặp vợ chồng tự quyết định số con trong thời điểm này có thể sẽ dẫn tới gia tăng dân số không như mong muốn. Tuy nhiên, nếu 5 năm nữa, mức sinh như hiện nay, chính sách dân số vẫn phải giữ nguyên”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
 
Pháp lệnh Dân số ban hành năm 2003 có quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh. Quy định này khiến nhiều người dân hiểu sai là Nhà nước khuyến khích đẻ nhiều con. Vì thế, mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh trở lại. Năm 2009 quy định này đã được sửa lại thành "mỗi cặp vợ chồng nên có 1-2 con". 

Tác giả: Diệu Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây