Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 09/07/2015 00:34Lượt xem: 1344
Những vấn đề về dân số đã có sự cải thiện quan trọng. Tuy nhiên, mất cân bằng giới tính vẫn đang là vấn đề lớn nhất về dân số cần được giải quyết.
Trước hết là tốc độ tăng dân số. Nếu bình quân năm thời kỳ 1956 - 1976, dân số tăng 3,26%, thì thời kỳ 1977 - 1988 tăng 2,19%, thời kỳ 1989 - 2006 tăng 1,5% và thời kỳ từ 2007 đến nay chỉ còn tăng 1,07%. Tốc độ tăng dân số chậm lại tương đối nhanh, nên nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người về GDP, về lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp - thủy sản, lượng sản phẩm công nghiệp, sản phẩm dịch vụ, xuất khẩu, một số chỉ tiêu xã hội… được cải thiện. Đây là kết quả của công cuộc kế hoạch hóa dân số, gia đình với nhiều giải pháp tích cực, như thực hiện các biện pháp tránh thai, giảm tỷ lệ sinh, giảm tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên, giảm tổng tỷ suất sinh…
Nhiều chỉ tiêu về chất lượng dân số cũng đã có sự cải thiện đáng kể. Tỷ suất chết của trẻ em dưới một tuổi đã giảm từ 44,4% năm 1990 còn 14,9% năm 2014. Tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2.500 gram đã giảm từ 11,7% năm 1991 xuống còn trên dưới 4% hiện nay. Tỷ lệ tử vong bà mẹ/100.000 ca sinh đã giảm từ 233 năm 1990, xuống còn dưới 7 hiện nay. Tỷ lệ suy dinh dưỡng đã giảm cả về cân nặng theo tháng tuổi lẫn suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi. Tuổi thọ bình quân năm 2014 đã đạt 73,2, cao hơn 3,3 tuổi so với năm 1989 và thuộc loại cao so với nhiều nước (đứng thứ 5 Đông Nam Á, thứ 27/51 nước châu Á, thứ 102/209 nước trên thế giới).
Với tổng số 1.564 ngàn trẻ sinh ra, trong đó trẻ trai là 825,1 ngàn, trẻ gái là 735,9 ngàn, cho thấy số bé trai sinh ra nhiều hơn số bé gái là 89,2 ngàn. Tương đương 20 năm sau, số thanh niên nam nhiều hơn số thanh niên nữ gần 1,8 triệu người; đó là chưa kể số thanh niên nam đã nhiều hơn số thanh niên nữ từ trước.
Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính của Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn nhiều nước châu Á, nhưng lại tăng nhanh và hiện cũng đã đạt mức cao. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, có thể không lâu nữa sẽ không còn hiện tượng “xuất khẩu” cô dâu như mấy năm qua, mà sẽ lặp lại tình trạng “nhập khẩu” cô dâu như một số nước. Các chuyên gia cho rằng, muốn ngăn chặn, cần xác định những yếu tố làm cho tình trạng mất cân bằng giới tính xuất hiện và phát triển. Mà cái gốc của vấn đề là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, không chỉ nặng nề đối với bậc ông, bà, bố mẹ chồng, mà cả ở người chồng. Do vậy, cần giáo dục cho mọi người thông suốt về tư tưởng bình đẳng giới.
Một yếu tố khác là việc xác định giới tính thai nhi có thể được thực hiện sau khi người phụ nữ có thai 7 tuần, dễ dẫn đến nạo phá thai - vừa nguy hiểm cho người mẹ, vừa làm mất cân bằng giới tính. Việc xác định giới tính đã được pháp luật nghiêm cấm, nhưng trong thực tế vẫn diễn ra khá phổ biến. Về pháp luật cần có chế tài mạnh, cụ thể. Ngay cả việc kiểm tra, thanh tra, xử lý cần làm quyết liệt hơn để có tác dụng răn đe đối với những nơi vẫn thực hiện việc xác định giới tính sớm. Tư tưởng trọng nam khinh nữ lạc hậu nay lại được sự hỗ trợ của biện pháp kỹ thuật, đó là sự cộng hưởng giữa 2 yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, tại sao “mất cân bằng giới tính” lại phát sinh nhiều hơn trong những năm gần đây, khi tư duy con người có sự cải thiện theo sự chuyển đổi của nền kinh tế và mở cửa hội nhập với nhiều nước phát triển. Hiện tượng này có thể là hiệu ứng phụ của việc sinh ít con, sợ không có người nối dõi tông đường. Trung Quốc đang xem lại chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con. Khi tỷ lệ tăng tự nhiên xoay quanh 1%, khi tổng tỷ suất sinh đã ở mức hoặc dưới mức sinh thay thế… Khi tốc độ tăng dân số đã trở thành ý thức tự giác của phần đông dân số… thì có thể nới lỏng hơn về chính sách hoặc giảm nhẹ các giải pháp chế tài đối với những cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu hai đứa trẻ đầu là gái.