Truyền thông thay đổi nhận thức thúc đẩy bình đẳng giới

Thứ hai - 16/10/2023 04:02    Lượt xem: 793

Truyền thông thay đổi nhận thức thúc đẩy bình đẳng giới

Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay, ngày 8/10, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình phối hợp với UBND huyện Thạch Thất tổ chức hội nghị "Gặp mặt biểu dương các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số, có con gái chăm ngoan học giỏi".
Đang chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh 114 trẻ trai/100 trẻ gái

Thạch Thất là một huyện nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội, toàn huyện có 22 xã và 1 thị trấn phân bố dân cư chia làm 03 vùng: Vùng đồng bằng, vùng đồi gò, vùng miền núi, có 02 dân tộc sinh sống chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường, trong đó dân tộc Mường chiếm tỷ lệ 5,58%.

Công tác dân số của huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến thời điểm 30/9/2023 là 228.805 người. 9 tháng đầu năm 2023, có 2215 trẻ chào đời, tăng 324 trẻ so cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 1.8% so với cùng kỳ, giảm 0,8% so với kế hoạch năm 2023.

Thực hiện tư vấn và sàng lọc trước sinh cho 2.988 bà mẹ mang thai, đạt tỷ lệ 94.8%. Tư vấn và sàng lọc sơ sinh cho 2137 trẻ, đạt tỷ lệ 96.5%.

Đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh của huyện vẫn đang ở mức cao, tỷ số là 114 trẻ trai/100 trẻ gái.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết: Từ đầu năm 2023, UBND huyện Thạch Thất đã chỉ đạo triển khai kịp thời, đảm bảo các hoạt động y tế, dân số trên địa bàn huyện, với hình thức, nội dung phù hợp, thiết thực với tình hình thực tế. Đặc biệt, chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

Hàng năm, huyện và xã tổ chức các đợt truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng: Nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm nhỏ, tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình... Đồng thời lồng ghép tuyên truyền về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trong các tiết sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn huyện.

Song song với các hoạt động đó, công tác kiểm tra, ký cam kết với các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập cung cấp dịch vụ sản khoa/kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Huyện cũng được chú trọng và tổ chức thường xuyên để thực hiện nghiêm túc quy định của Bộ Y tế về không cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi, không  thông báo giới tính dưới mọi hình thức, không loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính. Bằng việc triển khai các giải pháp cụ thể nêu trên, tỷ số giới tính khi sinh của Huyện Thạch Thất đã giảm từ 123 trẻ trai/100 trẻ gái vào năm 2015 xuống còn 110,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2022.

“Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận trong công tác dân số huyện Thạch Thất. Đóng góp vào kết quả chung đó phải kể đến các gia đình tiêu biểu đã vượt qua các định kiến, áp lực trong gia đình, dòng họ” – bà Bích Ngọc nhận xét.

Em Phạm Tường Vi, thôn Chi Quan, xã Liên Quan, huyện Thạch Thất cho biết, còn nhớ, khi chị em cháu còn nhỏ, vào những ngày lễ Tết hay giỗ chạp, cháu vẫn nghe thấy một số người nói với bố mẹ cháu là “thế này thì phải sinh thêm lấy thằng cu nữa cho có nếp, có tẻ”. “Hai con gái thì phải sinh thêm bé trai để có người nối dõi tông đường, nương dựa lúc tuổi già”… Lúc đó cháu còn nhỏ nên không hiểu lắm và chỉ nghĩ có thêm em bé nữa thật thích và vui. Nhưng bố mẹ cháu đều nói nuôi hai chị em cháu là đủ, con nào cũng là con và muốn dồn tình cảm, kinh tế nuôi chị em cháu trưởng thành, tạo cơ hội để chị em cháu có một môi trường học tập và phát triển tốt nhất và cháu thấy bố cháu thường động viên mẹ cháu “con trai hay con gái đều được, miễn là chúng hiểu thảo, biết chăm sóc bản thân và hiếu thuận, chăm sóc ông bà, bố mẹ là được”.

“Trong những năm học, cháu đều là học sinh giỏi, em cháu cũng vậy rất chăm ngoan, học giỏi, em luôn tự tin và học rất tốt. Chúng cháu có được những kết quả đó một phần là do sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, nhưng một phần quan trọng không thể không nói đến là sự chăm sóc, động viên, sát sao của bố mẹ. Cháu còn nhớ khi còn bé, môn toán đối với cháu là môn học vô cùng khó khăn. Thế nhưng, cháu đã được bố mẹ luôn theo sát, giảng giải cho cháu những bài tập cháu còn chưa hiểu. Nhờ vậy, cháu hứa với bản thân phải cố gắng học tập thật tốt để không phụ công bố mẹ” - Tường Vi nói.

Theo Tường Vi, nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai.

Bà Khuất Thị Liên - Bí thư chi bộ 3, CTV dân số xã Đại Đồng nói: Với vai trò là Bí thư chi bộ thôn kiêm cộng tác viên dân số, bản thân bà luôn quan tâm đến các chỉ tiêu công tác dân số mà UBND xã giao xuống cho thôn, tham gia đầy đủ các cuộc họp do Đảng uỷ, UBND xã triển khai, các hội nghị giao ban công tác dân số hàng tháng, hàng quý để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, những hạn chế, tồn tại cần phải giải quyết hoặc xin ý kiến cấp trên để kịp thời giải quyết.

Trong các hội nghị tổ chức tại thôn, bà Liên luôn phối hợp với Chuyên trách Dân số xã lồng ghép để tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số và một trong những nội dung đó không thể không nói đến vấn đề Bình Đảng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn xã cũng như địa bàn thôn thôn 8.1 xã Đại Đồng nơi bà đang sinh sống và trực tiếp quản lý.

Hội nghị đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chi bộ, vai trò của những người làm ông, làm cha, làm mẹ trong việc giảm sinh con thứ ba, đặc biệt là sinh con thứ ba chỉ vì gia đình chưa có con trai; đề cao vai trò của các bà, các mẹ, các chị, em là phụ nữ, một nửa của thế giới, những người giữ lửa trong mỗi gia đình. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, vận động luôn được ưu tiên đối tượng đến dự các buổi họp với mong muốn thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng dù là trai hay gái, tránh tạo áp lực cho  thế hệ con, cháu khi các cháu sinh ra là gái.

Nâng cao vị thế trẻ em gái, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, UV Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất khẳng định: 100 trẻ em gái chăm ngoan, học giỏi được biểu dương hôm nay là những trẻ em gái có thành tích học tập xuất sắc trong các gia đình đã vượt lên tư tưởng, định kiến trong xã hội, thực hiện quy mô gia đình 2 con, chăm lo phụng dưỡng bố mẹ già và nuôi dạy con tốt. Hội nghị biểu dương này là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, mang tính chất tuyên truyền sâu rộng góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân giúp nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và xã hội.

Vinh danh các trẻ em gái chăm ngoan học giỏi trong các gia đình tiêu biểu thực hiện tốt chính sách dân số là một hoạt động điểm nhấn, một điểm sáng trong công tác Dân số nói chung và công tác giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng, để mỗi gia đình sẽ luôn hạnh phúc, ấm no”.

Để công tác dân số huyện Thạch Thất thật sự bền vững, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất đề nghị, thời gian tới, rất cần hơn nữa sự tham gia, hưởng ứng của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, sự chung tay góp sức của tất cả các gia đình trên địa bàn huyện nhằm thực hiện tốt các hoạt động trọng tâm, trọng điểm về công tác dân số nói chung và vấn đề bình đẳng giới, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; Tăng cường truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, qua đó triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về Dân số và SKSS giai đoạn 2020-2025; Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2020-2025.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, TS.BS. Vũ Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội cho biết, bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngược lại mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước.

“Bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn. Thông điệp ý nghĩa này nhằm mục đích kêu gọi toàn thế giới trao cơ hội nhiều hơn cho trẻ em gái và nâng cao nhận thức về bất bình đẳng giới bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, dinh dưỡng, y tế, bảo vệ khỏi sự kỳ thị, bạo lực và không còn nạn tảo hôn... Các em có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời gian vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị trong xã hội của ngày mai” – TS.BS Vũ Duy Hưng nhấn mạnh.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thành phố Hà Nội Vũ Duy Hưng, hiện nay, Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế, công tác Dân số - KHHGĐ chuyển hướng sang Dân số và phát triển. Kế hoạch hóa gia đình không những góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn, đồng thời giảm số ca tử vong mẹ và tử vong trẻ em.

Tỷ số giới tính khi sinh của TP Hà Nội đã giảm dần từ 117,6 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2008 xuống còn 112,9 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2019; 9 tháng đầu năm, tỷ số giới tính khi sinh là  112 trẻ trai/100 trẻ gái. Mặc dù tỷ số giới tính khi sinh của toàn thành phố đang có xu hướng giảm nhưng vẫn trên mức báo động. Nếu không có những can thiệp mạnh mẽ và kịp thời như hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về trật tự xã hội, an ninh, chính trị; dẫn đến hiện tượng thiếu nữ thừa nam trong độ tuổi kết hôn và dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình ảnh hưởng tới chất lượng dân số trong tương lai.

Để thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh cần đầu tư chăm sóc, giáo dục, yêu thương chia sẻ, giúp đỡ trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, đây là một việc làm hết sức nhân văn cho trẻ em nói chung và trẻ em gái nói riêng mà lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền TP Hà Nội luôn hướng tới, luôn dành những gì tốt đẹp nhất. Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động như: Triển khai nhiều mô hình tại các địa bàn trên toàn thành phố và các hoạt động nhằm nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái được triển khai như: Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên...

“Trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 năm nay, Hà Nội phát động tổ chức kỷ niệm rộng khắp trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các quận, huyện Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thạch Thất... Ngoài ra, các đơn vị tổ chức điểm truyền thông hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10 tại các trường học,  truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, nhân bản, cấp phát tờ rơi sách mỏng tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh…” – ông Vũ Duy Hưng cho biết.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây