Việt Nam còn 10 năm để tận dụng thời kỳ cơ cấu "dân số vàng"

Thứ năm - 01/02/2024 22:05    Lượt xem: 291
Đó là phát biểu của ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam tại hội thảocông bố Báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam diễn ra ngày 6/12, do Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định, tài khoản chuyển nhượng quốc gia là phương pháp toàn diện và có hệ thống được sử dụng để để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua vòng đời kinh tế và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ. Phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế thế hệ cũng như cách các thế hệ ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đến nay, nghiên cứu về tài khoản quốc gia đã được hơn 70 quốc gia trên thế giới thực hiện và công bố. Phương pháp này chứng minh được sự ưu việt trong phân tích các chỉ số kinh tế thông qua tuổi của dân số và cho phép trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm.
3
Đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản, có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam

Theo ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA Việt Nam, nghiên cứu về tài khoản chuyển nhượng quốc gia là cần thiết vì nó cung cấp thêm bằng chứng để xây dựng chương trình, chính sách chuẩn bị cho già hóa dân số. “Đến năm 2050, dự kiến tỷ lệ lượng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng từ khoảng 14% (vào năm 2022) lên gần 26%. Tỷ lệ trẻ em dưới 14 tuổi theo hướng ngược lại, sẽ giảm từ 23% xuống còn 17%. Sự thay đổi từ một xã hội trẻ sang một xã hội già sẽ gây hậu quả đa chiều ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần phải sẵn sàng tận dụng những thay đổi đó như “công việc thường ngày” của phát triển kinh tế. Tháp dân số năm 2019 cho thấy Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng, tức là có cơ hội tận dụng “lợi tức nhân khẩu học”. Dự kiến giai đoạn này sẽ kết thúc vào năm 2039. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Quá trình chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy tầm quan trọng của các chính sách dân số thường bị đánh giá thấp, gây nên nhiều hậu quả nhân khẩu học và điều đó có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực này không chỉ có ích cho xã hội và cộng đồng mà còn giúp tránh được chi phí phát sinh khi giải quyết các thách thức liên quan sau này”, ông Matt Jackson cho biết.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng mức thâm hụt vòng đời của dân số Việt Nam năm 2022 là 364,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Bình quân, mức thâm hụt vòng đời của mỗi người dân Việt Nam trong năm 2022 là 3,7 triệu đồng/người. Dân số Việt Nam tạo ra giá trị thặng dư kinh tế khi ở độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi. Độ tuổi rực rỡ nhất để lao động tạo ra thặng dư kinh tế thuộc về nhóm tuổi từ 25 đến 49 tuổi. Khoảng gần 90% tổng giá trị thặng dư toàn xã hội do lao động trong độ tuổi này tạo ra. Đây là một trong những bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh.
Tuy nhiên, lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba. Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế - xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu, theo Tổng cục Thống kê, mặc dù Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi của dân số nhưng xét về cấu trúc tuổi, đất nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Do đó, các chính sách để tận dụng thời kỳ cơ cấu dân số vàng, đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt đảm bảo tăng trưởng và phát triển bền vững để không bỏ ai lại phía sau.
Theo chuyên gia cho biết, để cơ cấu dân số vàng thực sự tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Việc đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai
Một dân số được coi đã bước vào giai đoạn “dân số vàng” khi dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) hoặc tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%. Theo các chuyên gia nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng mới chỉ thể hiện ở số lượng người trong độ tuổi lao động.

Tác giả: Vũ Quang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây