Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Chủ nhật - 04/02/2024 08:20Lượt xem: 545
Thế giới đang già đi nhanh chóng. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,3% dân số toàn cầu và đến năm2050, con số đó sẽ tăng lên gần 22%. Lão hóa là một thắng lợi của sự phát triển: Con người sống lâu hơn nhờdinh dưỡng, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kinh tế tốt hơn (UNFPA)
Một thế giới tiếp tục già đi
Theo UNFPA (Quỹ dân số Liên hợp quốc), một nước sẽ bước vào giai đoạn “bắt đầu già” khi dân số cao tuổi chiếm 10% tổng số dân và giai đoạn “già” khi người cao tuổi chiếm 20% tổng số dân. Nhật Bản là quốc gia “siêu già”, có hơn 30% số dân từ 60 tuổi trở lên. Đến 2050, có 64 quốc gia siêu già. Trung bình mỗi năm có 58 triệu người tròn 60 tuổi, mỗi giây có hai người đến 60 tuổi.
Không ngoại lệ, Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.
Nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon từng nói: “Ảnh hưởng về kinh tế và xã hội của hiện tượng già hóa dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ tác động tới cá nhân người cao tuổi và gia đình họ, mà còn có tác động rộng hơn tới toàn xã hội và cộng đồng toàn cầu theo những cách thức chưa từng có”. Chừng nào tỷ lệ sinh tiếp tục giảm và tuổi thọ tiếp tục tăng thì tỷ lệ người già trong dân số sẽ tăng đều đặn. Và mặc dù già hóa dân số là một hiện tượng toàn cầu nhưng nó đang tiến triển nhanh nhất ở các nước đang phát triển – bao gồm cả những nước có dân số trẻ đông đảo. Nhữngđóng góp của người cao tuổi cho xã hội là vô giá. Nhiều đóng góp như vậy không thể đo lường được bằng kinh tế - chẳng hạn như việc chăm sóc, hoạt động tình nguyện và truyền lại truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Người cao tuổi cũng đóng vai trò quan trọng trong vai trò lãnh đạo, thường đóng vai trò giải quyết xung đột trong gia đình, cộng đồng và thậm chí trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, họ cũng thường dễ bị tổn thương. Họ có thể có mạng lưới hỗ trợ xã hội yếu kém, thiếu thu nhập hoặc bị phân biệt đối xử và lạm dụng. Đặc biệt, phụ nữ lớn tuổi dễ bị phân biệt đối xử, bị xã hội loại trừ và bị từ chối quyền thừa kế tài sản. Phụ nữ cũng có xu hướng sống lâu hơn nam giới và có thể rơi vào cảnh nghèo đói sâu sắc hơn khi có tuổi. Bảo vệ sức khỏe, sự an toàn và tính độc lập của người cao tuổi
Mặc dù nhiều người cao tuổi có sức khỏe tốt nhưng lão hóa lại đi kèm với những thay đổi sinh học làm tăng nguy cơ mắc bệnh tật và tàn tật. Cách tiếp cận theo vòng đời đối với việc chăm sóc sức khỏe – bắt đầu sớm, tiếp tục trong độ tuổi sinh sản và kéo dài đến tuổi già – là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người cao tuổi, và thực tế là của tất cả mọi người. Ngoài ra, các chính sách và chương trình công cũng cần giải quyết nhu cầu của những người lớn tuổi nghèo khó không có khả năng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Môi trường thân thiện với lứa tuổi cũng rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn, sức khỏe và tính độc lập của người cao tuổi. Nhiều người lớn tuổi cần được chăm sóc, trách nhiệm thường thuộc về gia đình họ. Nhưng mức sinh giảm và quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm thay đổi quan hệ gia đình truyền thống, đôi khi làm tăng gánh nặng cho mạng lưới hỗ trợ gia đình truyền thống. Khi số lượng người lớn tuổi tăng lên, các gia đình sẽ cần được hỗ trợ trong việc chăm sóc. Và việc đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi ngày càng trở nên quan trọng. Lương hưu xã hội có thể giảm bớt tình trạng nghèo đói mà quá nhiều người cao tuổi phải đối mặt, không chỉ hỗ trợ bản thân người cao tuổi mà cả gia đình họ, thậm chí giúp phá vỡ vòng nghèo đói giữan các thế hệ. Những khoản lương hưu này cũng trao quyền cho người cao tuổi và có thể giúp cân bằng các mối quan hệ giới bằng cách cung cấp cho cả nam giới và phụ nữ một nguồn thu nhập. Việt Nam cần làm gì để thích ứng với già hóa dân số
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để giải bài toán này cần điều chỉnh hệ thống chính sách như là tăng độ tuổi lao động nghỉ hưu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động là người cao tuổi... “Về kinh tế phải nâng cao năng suất lao động để bù đắp cho người già, về chăm sóc sức khỏe thì phải giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh”.
Thích ứng với già hoá dân số cần được coi là vấn đề ưu tiên và cần phải có các biện pháp mang tính tổng thể với một lộ trình thích hợp để chuẩn bị cho một “xã hội già” trong tương lai gần.
Hiện nay, nước ta đã có nhiều chính sách an sinh cho người già như là: trợ cấp cho người từ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, ưu tiên khám chữa bệnh… Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng. Chính vì thế, đã đến lúc cần ứng dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng để nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi cần phải xây dựng một môi trường thân thiện cho các cụ. Đó là một môi trường mà có sự hài hòa giữa các mối quan hệ gia đình, xã hội. Đồng thời, tạo ra cho người cao tuổi một không gian sống thoải mái để các cụ thực sự “sống vui, sống khỏe”.
Tốc độ già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra rất nhanh. Tuổi thọ cao song điều quan trọng là chất lượng sống cũng phải được tăng theo. Chính vì thế nếu không có sự điều chỉnh hệ thống chính sách để ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện nay thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu dân số, chất lượng sống của người cao tuổi và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.