Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 15/09/2016 00:54Lượt xem: 1428
Ngoài những khó khăn về đời sống kinh tế – xã hội, quan hệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang là nguyên nhân làm suy giảm sức khoẻ, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi ở một vài địa phương vùng miền núi của Hà Nội
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết mang lại nhiều hệ lụy Năm 2016, Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội đã triển khai mô hình “Can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” năm thứ nhất nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Là một trong 5 đơn vị trên địa bàn thành phố được lựa chọn triển khai mô hình, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Quốc Oai đã tổ chức thực hiện mô hình tại 02 xã Đông Xuân và Phú Mãn. Đây là 02 xã miền núi, có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đông, là những xã cách xa trung tâm huyện, đường xá đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung, trình độ dân trí còn chưa cao. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã Đông Xuân đã có 11 cặp vợ chồng tảo hôn; xã Phú Mãn có 2 cặp. Tuy nhiên, các trường hợp tảo hôn chưa được đăng ký kết hôn tại UBND xã nên trên thực tế, con số về tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông trên địa bàn 2 xã có thể lớn hơn nhiều.
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ - Nguồn moison.vn
Thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Các đối tượng tảo hôn chủ yếu trong độ tuổi từ 15 – 17. Đây là độ tuổi mà cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sẽ gây ảnh hưởng đến thể chất, tâm sinh lý nhất là các em gái. Kết hôn sớm làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn lực. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vừa là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói, sự phát triển thiếu toàn diện. Mô hình thiết thực Với mong muốn mô hình thật sự đem lại nhiều lợi ích thiết thực, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn xã cho các đồng chí là lãnh đạo, cán bộ chuyên trách, tư vấn viên nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc giảm thiểu vấn nạn tảo hôn. Tại 2 xã triển khai mô hình, tích cực đưa tin, bài tuyên truyền trên hệ thống phát thanh xã về nội dung hệ lụy của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, các gia đình có nguy cơ kết hôn cận huyết thống cao. Ngoài ra, công tác khám và tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cũng được đẩy mạnh. Có thể thấy việc tuyên truyền sâu rộng, kịp thời những tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tới đồng bào dân tộc thiểu số là điều rất cần thiết. Để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn không thể làm ngày một ngày hai mà cần phải thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để họ tự chuyển đổi hành vi. Trong đó cán bộ xã luôn phải tiên phong tuyên truyền cho anh em, con cháu, họ hàng không tảo hôn, thực hiện nghiêm túc chính sách dân số để làm gương cho những người dân khác; xây dựng hương ước, quy ước thôn bản đủ tính pháp lý và các quy định xử phạt cụ thể, cùng thống nhất quan điểm để nhân dân thực hiện, nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc nói riêng và chất lượng dân số Thủ đô nói chung./.