Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Hà Nội: Tâm lý nhiều gia đình còn nặng nề

Thứ tư - 30/04/2014 09:29    Lượt xem: 1635
“Tâm lý của các gia đình khi trẻ có kết quả dương tính còn nặng nề do thiếu hiểu biết, dẫn đến tình trạng giấu không hợp tác khi cán bộ quản lý đến vận động và tư vấn điều trị”
Chị Nga thở phào: “Nếu sàng lọc mà con không có bệnh gì thì may quá, nhưng nếu có bệnh mà được điều trị ngay, trẻ lớn lên phát triển bình thường thì quá tốt”.
Tập huấn lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho cán bộ
y tế cơ sở. Ảnh: P.V
 
“Tâm lý của các gia đình khi trẻ có kết quả dương tính còn nặng nề do thiếu hiểu biết, dẫn đến tình trạng giấu không hợp tác khi cán bộ quản lý đến vận động và tư vấn điều trị”. Bà Trần Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn dịch vụ DS-KHHGĐ (Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội) chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trên địa bàn Hà Nội.
 
Không dám xét nghiệm vì… sợ!

Thực hiện chỉ đạo của HĐND, UBND thành phố Hà Nội, với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động SLTS&SS nhằm từng bước kiểm soát và hạ thấp tỉ lệ dị tật bẩm sinh nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Chi cục DS-KHHGĐ xây dựng Đề án “Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh” giai đoạn 2011 – 2015 và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến kinh phí đề xuất cho các hoạt động này là 100 tỉ đồng.


Trong khi cả gia đình phấn khởi, ngắm nghía và tự hào về thằng cháu “đích tôn” thì sản phụ Bích Nga (Thường Tín, Hà Nội) thấp thỏm đòi về. Thấy con sinh ra hơi nhỏ, vợ vẫn còn yếu mệt chồng chị bảo để hai mẹ con nằm thêm ở phòng dịch vụ vài hôm cho thoải mái, yên tâm, nhưng chị Nga nằng nặc đòi xuất viện.

Nguồn cơn chị muốn về ngay không phải là sợ ở bệnh viện mà là chị sợ con mình bị “chọc” gót chân. Buổi sáng sau khi sinh con xong, được đưa về phòng sau sinh, chị nghe loáng thoáng gia đình các sản phụ khác nói ở lại bệnh viện sau 24 giờ để lấy máu gót chân trẻ sàng lọc bệnh tật gì đó. Người thì bảo “con mình sinh ra đỏ hỏn, chọc kim lấy máu gót chân chẳng may thành tật thì làm thế nào?”, người thì nói “trước đây bao nhiêu đứa sinh ra không làm thế cũng có sao đâu”,… làm chị lo lắng. Thấy tâm lý không thoải mái của vợ, anh Phương, chồng chị gạn hỏi.
 
Sau khi gặp bác sĩ, nghe tư vấn anh chị được biết nếu lấy mẫu máu gót chân trẻ sau 24 giờ có thể tầm soát được bệnh suy giáp trạng bẩm sinh (tuyến giáp không sản xuất đủ hormone khiến trẻ bị đần độn, chân tay không phát triển, thường tử vong trước tuổi trưởng thành), bệnh tăng sản tuyến thượng thận (một kiểu thiếu hụt enzyme gây sản xuất hormone nam bất thường, khiến trẻ có bộ phận sinh dục nửa nam nửa nữ) và bệnh thiếu men G6PD (bệnh huyết tán bẩm sinh do hồng cầu bị vỡ gây ra vàng da, thiếu máu). Nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ được phát triển bình thường. Chị Nga thở phào: “Nếu sàng lọc mà con không có bệnh gì thì may quá, nhưng nếu có bệnh mà được điều trị ngay, trẻ lớn lên phát triển bình thường thì quá tốt”.
 
Những lo lắng ban đầu trên không phải chỉ của riêng vợ chồng anh Phương, chị Nga. Phần lớn người dân còn rất băn khoăn, lo ngại khi sàng lọc bệnh cho trẻ sơ sinh. Tâm lý này không chỉ có ở người dân ở vùng nông thôn, trình độ dân trí chưa cao mà còn có cả ở trung tâm thành phố Hà Nội, ở những người có trình độ học vấn. Theo bà Trần Thị Xuân, tâm lý chung của các bậc phụ huynh là sợ trẻ bị đau khi lấy máu làm xét nghiệm nên nhiều gia đình chưa tự nguyện hoặc thiếu sự hợp tác. “Tại các bệnh viện tuyến huyện, việc khó khăn nhất là vận động và lưu giữ được sản phụ ở lại sau 24 giờ để lấy máu xét nghiệm do sản phụ thường xin xuất viện sớm trước 24 giờ” – Bà Xuân cho biết.
 
Khó khăn đến từ nhiều phía

Theo tổng hợp từ các Trung tâm DS-KHHGĐ của 29 quận, huyện, thị xã của Hà Nội, hiệu quả của công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) đạt được nhiều kết quả khả quan, năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, đánh giá chung của ngành dân số Hà Nội thì hiệu quả đó vẫn chưa được như mong muốn và còn gặp nhiều khó khăn.

Trước tiên, nhận thức của người dân còn chưa cao là rào cản lớn nhất để việc triển khai SLTS&SS được “phủ sóng” hết trên địa bàn thành phố. Đối với việc SLTS, nhiều thai phụ chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm nên việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó hoặc có trường hợp phát hiện ra dị tật thì thai phụ đã chuẩn bị sinh. Khó khăn nữa là kiến thức và khả năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu muốn tìm hiểu, được tư vấn của đối tượng. Kỹ thuật siêu âm SLTS và lấy mẫu máu gót chân SLSS của một số quận, huyện còn yếu.
 
Bà Trần Thị Xuân bày tỏ băn khoăn khi lãnh đạo một số bệnh viện chưa thực sự nhiệt tình, cho rằng đó là hoạt động của hệ thống dân số, chưa tạo điều kiện cho các bác sĩ có chuyên môn tham gia các lớp tập huấn siêu âm SLTS tại BV Phụ sản Trung ương. Bên cạnh đó, kinh phí của chương trình còn hạn chế, thù lao cho cán bộ lấy mẫu máu thấp chưa khích lệ được cán bộ tại các bệnh viện tham gia lấy mẫu máu cho trẻ… Những lý do đó đã phần nào khiến một số quận nội thành như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa không đạt một phần trăm nào so với kế hoạch được giao.
 
Đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư nguồn lực

Trong khi một số quận nội thành “trắng” kết quả SLSS thì một số huyện ngoại thành lại đạt kết quả cao như: Sóc Sơn 96%, Đan Phượng 86% và Ứng Hòa 117%.

Từ những khó khăn và thuận lợi trên, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động tăng thêm nguồn lực đầu tư cho hoạt động nâng cao chất lượng dân số. Ông Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, ngoài nguồn kinh phí Trung ương, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã đầu tư thêm 2 tỉ đồng cho các hoạt động truyền thông, đào tạo và mua sinh phẩm hóa chất mở rộng thực hiện xét nghiệm mẫu máu sàng lọc cho trẻ sơ sinh trên toàn thành phố.

Vượt qua những khó khăn, thách thức trong năm 2011 Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã thực hiện hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao. Địa bàn triển khai các hoạt động truyền thông được mở rộng thực hiện tại 567 xã, phường, thị trấn thuộc 29 quận, huyện, đạt 453% so với kế hoạch Trung ương giao. Các hoạt động chuyên môn kỹ thuật được triển khai tại 23 bệnh viện trên địa bàn. Theo ông Tạ Quang Huy, năm 2012 này, Hà Nội duy trì 392 xã, phường, thị trấn đã thực hiện hoạt động SLTS&SS và mở rộng thêm 89 xã, phường, thị trấn tại 29 quận, huyện, thị xã.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây