Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ: Tác động toàn diện đến sự phát triển

Thứ tư - 30/04/2014 09:19    Lượt xem: 1661
Sau Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa VII) tháng 1 năm 1993, công tác DS-KHHGĐ ở nước ta trở thành một phần của Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG)
Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ: Tác động toàn diện đến sự phát triển
Qua nhiều năm kiên trì và đẩy mạnh thực hiện, nhờ có Chương trình này, công tác DS - KHHGĐ đã thu được những thành tựu to lớn với ý nghĩa hết sức nhân văn.
 
Thành tựu to lớn

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử - nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhờ có Chương trình MTQG, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác DS-KHHGĐ được thực hiện theo Chương trình MTQG rất nề nếp, có hiệu quả trong nhiều năm, đây là một trong những chương trình được đại biểu Quốc hội nhiều khóa đánh giá là khoa học, minh bạch và hiệu quả.
(Trích phần a mục 2 công văn số 2592/UBXH12 ngày 12/10/2010 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội - Quốc hội khóa XI).

Các chuyên gia trong lĩnh vực dân số nhận định, nếu không có những chính sách DS – KHHGĐ đúng đắn, kịp thời và quyết liệt thì tại thời điểm hiện nay, dân số của Việt Nam sẽ lên tới 110 triệu dân, chứ không phải là gần 90 triệu như hiện tại. Theo GS Nguyễn Đình Cử, nhờ có sự đầu tư hiệu quả từ Chương trình MTQG, mức sinh giảm, tốc độ tăng dân số đã chậm lại, tác động to lớn đến mọi mặt của quá trình phát triển. Mục tiêu kinh tế cốt lõi ở các nước nghèo là nâng cao tốc độ tăng GDP bình quân đầu người để nhanh chóng cải thiện đời sống nhân dân. Giảm sinh đã đóng góp lớn vào việc thực hiện mục tiêu này.
Nhờ có Chương trình MTQG DS-KHHGĐ mà Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất tốt đẹp. Điều này được thể hiện qua kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009: Quy mô dân số nước ta là 85,8 triệu người. Mỗi năm Việt Nam tăng thêm 952 nghìn người - đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người, trong khi số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giai đoạn này tăng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó.

Nếu 20 năm trước đây, dân số Philippines ít hơn Việt Nam 4 triệu người thì hiện nay dân số Philippines hơn Việt Nam 7 triệu người. Như vậy nếu so sánh với nước bạn, chúng ta đã “tránh sinh” được 11 triệu người trong 20 năm. Cũng khoảng thời gian ấy, GDP tăng liên tục, với tốc độ bình quân năm là 7,5% giai đoạn 1991 - 2000 và 7,2% giai đoạn 2001-2010.

Năm 2010, tổng sản phẩm trong nước đã gấp 4,12 lần so với năm 1990 và quy mô dân số tăng gấp 1,32 lần nên GDP bình quân đầu người năm 2010 tăng gấp 3,13 lần so với năm 1990. Nếu so sánh với phương án dự báo dân số là 105,45 triệu người thì GDP bình quân đầu người năm 2010 chỉ tăng gấp 2,57 lần so với năm 1990. “Như vậy, kết quả Chương trình MTQG trong 20 năm qua đã trực tiếp làm tăng 0,38 lần GDP bình quân đầu người, bình quân tăng khoảng 2% mỗi năm. Qua đó, chúng ta thấy rõ được hiệu quả của việc đầu tư cho chương trình DS-KHHGĐ tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đấy là chưa kể hiệu quả xã hội (đặc biệt là sự tiến bộ của phụ nữ) và bảo vệ môi trường” – GS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
 
Yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng

Cùng với hiệu quả rõ rệt trong sự phát triển về kinh tế, Chương trình MTQG còn thể hiện rõ những hiệu quả lớn đã góp phần nâng cao sức khỏe bà mẹ và giảm tử vong ở trẻ em.
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ: Tác động toàn diện đến sự phát triển 2

Cán bộ dân số phát tài liệu truyền thông DS-KHHGĐ cho ngư dân vùng biển Bến Tre. Ảnh: D. N


Bình quân hàng năm hiện nay cả nước giảm khoảng 90 vạn phụ nữ không tham gia vào sinh đẻ, không  có nguy cơ tử vong do thai sản. Đẻ thưa, đẻ ít đã giúp mẹ khỏe, con khỏe; tạo cho người phụ nữ có nhiều cơ hội để học tập văn hoá,  nghiên cứu khoa học và tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, nâng cao vị thế.

Mặc dù công tác dân số của chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song trong thời gian tới với nỗ lực nâng cao chất lượng dân số, công tác DS-KHHGĐ đòi hỏi phải được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ và vững chắc trước những thách thức mới nảy sinh. Đó là sự chênh lệch lớn về mức sinh giữa các vùng miền, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao, tốc độ già hóa dân số nhanh, tỉ lệ trẻ sinh ra bị dị tật gia tăng, chất lượng dân số còn thấp... Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII), nhấn mạnh: "Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội hàng đầu của nước ta, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội".  Khẳng định tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển chung của đất nước, ngày 31/8/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1199/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2012 - 2015.

Dân số là cửa ngõ để chúng ta vượt qua những rào cản xã hội, trên chặng đường đưa đất nước phát triển bền vững. Để đạt được các mục tiêu đó, công tác DS – KHHGĐ đòi hỏi phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là cần đến vai trò của Chương trình Mục tiêu quốc gia DS – KHHGĐ. Ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định: “Đầu tư cho công tác dân số nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tốt các biến động dân số và cơ cấu dân số là yêu cầu bức thiết, nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
 
Một số mục tiêu cụ thể  của Chương trình MTQG DS – KHHGĐ giai đoạn 2012 – 2015:
 
> Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ) từ 2,0 con năm 2010 giảm xuống còn 1,9 con vào năm 2015;

> Quy mô dân số không vượt quá 93 triệu người và tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015;

> Mức giảm tỷ lệ sinh bình quân năm khoảng 0,1%o trong giai đoạn 2012 – 2015; Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại tăng từ 67,5% năm 2010 lên 70,1% vào năm 2015;

> Giảm số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa đạt mức sinh thay thế từ 29 tỉnh, thành phố năm 2011 xuống còn 17 tỉnh, thành phố vào năm 2015;

> Giảm tốc độ tăng nhanh tỷ số giới tính khi sinh, để đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 113;

> Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh giảm từ 3% năm 2010 xuống 2,5% năm 2015;

> Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh từ 1,5% năm 2010 lên 15% vào năm 2015;

> Tỷ lệ trẻ em sơ sinh được sàng lọc từ 6% năm 2010 lên 30% vào năm 2015;

> Tỷ lệ thanh niên, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 10% vào năm 2015.  
 
 

Tác giả: (Nguồn Quyết định số 1199/QĐ – TTg)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây