Hà Nội - những thách thức trong công tác dân số

Thứ tư - 30/04/2014 09:07    Lượt xem: 1494

Hà Nội - những thách thức trong công tác dân số

Tăng dân số cơ học, chất lượng dân số thấp và không đồng đều giữa khu vực ngoại thành và nội thành... đang là những thách thức đặt ra đối với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của thành phố Hà Nội.

Tăng dân số cơ học

Trong những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày càng lớn do tình trạng tăng dân số quá nhanh, đặc biệt ở vùng nội thành. Số liệu thống kê cho thấy, sau 3 năm, tính từ thời điểm Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô có hiệu lực, dân số Hà Nội đạt trên 7,1 triệu người. Điều đáng nói là trong vòng 4 năm (2008 - 2011) dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm, chủ yếu thuộc các đối tượng trong độ tuổi lao động.

Bên cạnh những tác động tích cực như phát triển lực lượng lao động trẻ, tạo điều kiện tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao, tăng dân số cơ học gây áp lực lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị. Tăng dân số cơ học kéo theo không ít hệ lụy như tác động xấu tới giao thông đô thị, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự cũng như chất lượng sống của người dân. “Tăng dân số cơ học còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân khi điều kiện sống, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường không được bảo đảm. Thường các đối tượng di dân tập trung chủ yếu ở những nơi có mức sống không tốt như ven sông, khu chợ.” - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội, Tạ Quang Huy cho biết.

Riêng về lĩnh vực y tế - dân số, tăng dân số cơ học gây áp lực lớn trong công tác khám chữa bệnh, gây nên tình trạng quá tải các bệnh viện; việc kiểm soát quy mô, cơ cấu dân số gặp khó khăn; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ không bảo đảm;  việc bố trí nguồn nhân lực để chủ động triển khai thực hiện công tác dân số sẽ khó đạt được hiệu quả… Đó là chưa kể công tác điều tra dân số, quản lý dân cư gặp nhiều trở ngại khi số người không đăng ký hộ khẩu thường trú khá lớn. Theo ước tính, mật độ dân số trung bình của Hà Nội gấp 8 lần mật độ chung của cả nước và có sự phân bố không đồng đều, chênh lệch lớn giữa khu vực ngoại thành và nội thành.

Chất lượng dân số thấp

Cùng với thách thức về gia tăng dân số cơ học, chất lượng dân số thấp và không đồng đều giữa khu vực nông thôn - thành thị, khu vực ngoại thành - nội thành cũng là vấn đề đặt ra đối với công tác dân số của Hà Nội. Hiện trên địa bàn thành phố có trên 30 dân tộc cư trú; trình độ dân trí và mức sống của mỗi dân tộc, mỗi vùng khác nhau. Nhận thức về DS-KHHGĐ; mức thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cũng có khoảng cách và khác biệt giữa các khu vực. Minh chứng là tại các huyện ngoại thành, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh và tình trạng sinh con thứ 3 trở lên thường rất cao. Theo báo cáo về công tác DS-KHHGĐ của 29 quận, huyện 9 tháng đầu năm 2012 cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh tại các địa phương như Đông Anh, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên hiện đang ở mức rất cao, trên 123 bé trai/100 bé gái.

Nâng cao chất lượng dân số - thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chất lượng dân số là vấn đề được chính quyền và các ban ngành thủ đô đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành dân số thủ đô đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó hướng mạnh về cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đợt tập huấn cho báo cáo viên dân số về kỹ năng truyền thông, cung cấp các thông tin, kiến thức về DS-KHHGĐ. Trong hoạt động truyền thông, việc phân loại các nhóm đối tượng tuyên truyền (mỗi nhóm đối tượng cụ thể sẽ có hướng tiếp cận riêng phù hợp) là một trong những giải pháp được ngành dân số thủ đô triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cũng không hề dễ dàng, khi đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại các huyện ngoại thành còn mỏng, thiếu cán bộ chuyên sâu - ông Tạ Quang Huy cho biết.

Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã triển khai thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiến hành lấy máu xét nghiệm tại 100% bệnh viện tuyến quận, huyện, một số bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn, bệnh viện thành phố và mở rộng thực hiện tại các trạm y tế xã, phường. Tuy nhiên, việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo thống kê, tỷ lệ trẻ em sinh ra bị tật, dị tật vẫn chiếm tỷ lệ cao ở mức 1,5 - 2%, trong khi tỷ lệ sàng lọc hàng năm mới đạt 30% số sinh.

Được biết, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội vừa xây dựng Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh với tổng kinh phí dự kiến trên 100 tỷ đồng và đang trình UBND thành phố phê duyệt. Mục tiêu đến cuối năm 2015 là 98% bà mẹ có thai được tuyên truyền, tư vấn về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; 95% phụ nữ có thai được sàng lọc trước sinh; 90% số trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh. Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới và năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện ở 577 xã, phường trên địa bàn thành phố; đầu tư cơ sở vật chất cho các Trung tâm DS - KHHGĐ quận, huyện có đủ điều kiện sàng lọc và đầu tư sinh phẩm hóa chất thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho ít nhất 95% tổng số sinh trên toàn thành phố - ông Huy nhấn mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây