Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ hai - 25/03/2024 05:07Lượt xem: 127
Bắt nạt trực tuyến đang là vấn nạn khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng vàđau đầu tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để có thể bảo vệ con, em mình.
Nguy cơ từ các nền tảng xã hội
Ai cũng biết, việc tiếp cận kỹ thuật số mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho trẻ em, từ cung cấp kiến thức và thông tin, thiết lập không gian giải trí lành mạnh, tăng cường tương tác xã hội, tạo môi trường chia sẻ kết nối… nhưng mặt khác nó cũng đưa đến một số rủi ro và nguy hiểm cho nhóm đối tượng vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2020 cho thấy, cứ 10 người dùng internet tại Việt Nam thì hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% người được khảo sát cho biết từng là nạn nhân, 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Phát biểu tại một hội thảo về Phòng, chống bắt nạt trên môi trường mạng do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức mới đây, ông Lưu Quang Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Tính tới tháng 9/2022, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á với số lượng người dùng Internet vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước.
Người Việt Nam trung bình dành khoảng 7 tiếng/ngày để truy cập Internet và sử dụng các nền tảng xã hội. Điều này khiến cho người dùng, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, dễ có rủi ro bị bắt nạt trên môi trường mạng. Những tác động tiêu cực khi trẻ em bị bắt nạt trực tuyến
H. Lan (học sinh lớp 9) đã “shock” khi phát hiện mình là chủ đề bàn tán trên Messenger của một nhóm học sinh trong lớp. Nhóm này thường xuyên theo dõi và chụp hình các bài viết của A để bình phẩm, lúc thì các bạn bảo ảnh này trông A như thằng “3D”, lúc thì các bạn bảo A chảnh chọe, thích khoe của; kể cả khi A đăng những bức ảnh giản dị, vui vẻ bên gia đình thì vẫn có bạn cho rằng A đang diễn… Các bạn không bình luận trực tiếp trong các bài viết trong các bài viết của A trên Facebook hay Tiktok mà âm thầm nói xấu A trong nhóm kín Messenger. Phương, (học sinh lớp 8) đã khóc và bắt mẹ phải xóa ảnh hồi 5 tuổi của mình trên Facebook của mẹ.
Lý do là ảnh đó cô bé quá bụ bẫm, lại đang có hành động lè lưỡi, cười híp mắt trông rất buồn cười, các bạn chế giễu gọi P là P “heo”, P “híp”. Một số bạn nam trong lớp ghép mặt P hồi bé vào một số nhân vật hoạt hình để giễu cợt em. Bắt nạt trực tuyến có nhiều hình thức khác nhau, có thể bao gồm nói xấu, phát tán tin đồn, đăng ảnh không phù hợp, bình luận khiếm nhã, làm phiền hoặc đe dọa,… Khi gặp phải sự cố bị bắt nạt trực tuyến, hầu hết trẻ đều tỏ ra lúng túng và không biết phải làm gì.
Đa phần trẻ bị bắt nạt thường sợ hãi, che giấu không muốn bố mẹ biết. Nếu thấy con bỗng dung thay đổi tâm tính, không còn vui tươi, hồn nhiên như trước, bé thường xuyên rầu rĩ, lo âu, giảm tương tác với bạn bè và gia đình,… thì khả năng cao trẻ đã bị bắt nạt. Tuy nhiên, một số trẻ khi bị bắt nạt lại có phản ứng ngược lại như quyết định trả đũa kẻ bắt nạt mình, đi bắt nạt bạn khác yếu hơn mình, hoặc có những hành động bất cần, dễ bị kích động…
Trẻ em khi bị bắt nạt trực tuyến có thể bị căng thẳng dẫn đến mất ngủ, giảm hoặc tăng cân không kiểm soát. Kết quả học tập của trẻ có thể bị sa sút, trẻ học không tập trung. Theo một số chuyên gia tâm lý, trẻ em bị bắt nạt trực tuyến không chỉ bị tổn thương nặng nề về tâm lý, thể chất mà còn có nguy cơ trở thành người gây bạo lực trong cuộc sống khi trưởng thành.
Rất ít trẻ bị bắt nạt trực tuyến chọn chia sẻ với cha mẹ hoặc thầy cô để tìm sự giúp đỡ. Một số trẻ quyết định khóa tài khoản mạng xã hội để không còn bị công kích. Một số muốn gặp mặt kẻ bắt nạt mình để đối chất. Đồng hành cùng con trong việc sử dụng mạng trực tuyến an toàn, tích cực
Để trẻ em an toàn trên môi trường trực tuyến, cha mẹ phải là người đồng hành và hướng dẫn trẻ cách sử dụng mạng trực tuyến an toàn và tích cực. Cha mẹ nên quy định thời gian trẻ được phép sử dụng mạng Internet, cung cấp cho trẻ các tài liệu và thông tin về an toàn mạng, chỉ cho trẻ đăng ký tài khoản mạng xã hội khi đủ tuổi quy định.
Nếu bị bắt nạt trên Facebook, trẻ có thể nhấn nút “Báo cáo”. Facebook có một liên kết Báo cáo để báo cáo lạm dụng, bắt nạt, quấy rối và các vấn đề khác trên hầu hết mọi nội dung. Đội ngũ Facebook sẽ xem xét những nội dung người sử dụng báo cáo và xóa bỏ các vi phạm. Song song với việc nhấn nút “Báo cáo”, trẻ nên “Hủy kết bạn” trên Facebook với kẻ đã bắt nạt trực tuyến mình. Hủy kết bạn không có nghĩa là trẻ và kẻ bắt nạt không còn nhìn thấy nhau trên mạng xã hội.
Trong trường hợp trẻ đăng các bài viết để chế độ “công khai” thì tất cả mọi người bao gồm cả những người trẻ chưa kết bạn vẫn có thể theo dõi các bài viết của trẻ. Nếu trẻ bắt nạt trẻ thay đổi theo hướng tích cực, trẻ có thể kết bạn trở lại trong một ngày nào đó. Tuy nhiên, nếu tình hình không được cải thiện, trẻ nên “chặn” luôn người đó.
Hành động chặn nghĩa là cả hai bên đều không thể xem nội dung đã đăng hoặc trò chuyện. Với Zalo và Tiktok trẻ cũng có thể áp dụng tương tự. Bên cạnh các thao tác nhằm cắt đứt liên lạc với kẻ đã bắt nạt mình trên mạng xã hội, trẻ cần giữ bình tĩnh để có hướng xử lý tiếp theo tốt hơn. Tuyệt đối không cố gắng tiếp cận kẻ đã bắt nạt mình.
Nếu trẻ bị đe dọa hoặc lo lắng về sự an toàn của mình, hãy nói ngay với người mà trẻ tin tưởng: cha mẹ, thầy cô, người bạn đáng tin cậy. Trong trường hợp cấp thiết, trẻ có thể liên hệ Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em 111 hoặc các cơ quan chức năng có thể liên quan để được hỗ trợ, bảo vệ.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền