Hiện nay, tại Việt Nam, ngoài 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao thì có đến 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp đến mức báo động, tập trung ở vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023 khu vực Đông Nam Bộ có mức sinh giảm sâu chỉ còn 1,47 con so với 2,9 con năm 1999. Đáng chú ý, mức sinh thấp không chỉ diễn ra ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh quốc gia về lương thực, nhưng lại đối mặt với tình trạng mức sinh liên tục giảm xuống sâu (năm 2023 là 1,54 con). 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước, sẽ tác động rất lớn đến quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Theo số liệu thống kê, mức sinh nước ta đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, từ 2,11 con (năm 2021), xuống 2,01 con (năm 2022) và 1,96 con (năm 2023), mức thấp nhất kể từ năm 2006 trở lại đây. Dự báo mức sinh tiếp tục giảm trong những năm tới.
Thực tế cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, mức sinh của 21 tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp vẫn tiếp tục xu hướng giảm, thậm chí có một số nơi giảm sâu như Bạc Liêu, Hậu Giang, Bến Tre, Bình Dương, Tp Hồ Chí Minh. Năm 2023, mức sinh của tp Hồ Chí Minh đạt mức rất thấp là 1,32 con. Các vùng mức sinh cao như Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, mức sinh tiếp tục biến động khó lường. Tại Hà Nội, mức sinh hiện nay đã xuống 1,88 con dưới mức sinh thay thế.
Năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có 2,33 con. Từ năm 2009 đến nay, mức sinh tăng nhẹ hoặc giảm nhẹ quanh mức (2,1 con). Tuy nhiên, xu hướng mức sinh xuống thấp trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2030 duy trì vững chắc mức sinh thay thế (2,1 con), quy mô dân số khoảng 104 triệu người.
Cùng với mức sinh giảm, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vô sinh cao. Theo Bộ Y tế, ước tính mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, với tỉ lệ khoảng 7,7% dân số. Trong số này, khoảng 50% là các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau 1 lần có thai) đang gia tăng từ 15-20% mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.
Mức sinh thấp góp phần đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số. Về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng trách nhiệm cho thế hệ những đứa trẻ “con một” trong tương lai, khi phải gánh vác an sinh cho một xã hội già, siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động. Nếu năm 2019, cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, dự báo đến năm 2069 tức là 50 năm sau cứ 2 đứa trẻ sẽ có 3 người trên 60 tuổi. Mặt khác, nếu mức sinh như hiện nay, dân số Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên đỉnh điểm 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm dần và hạ xuống 72 triệu vào năm 2100.
GS. TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng mức sinh thấp còn dẫn đến nhiều hệ luỵ như hội chứng “4-2-1” - tức là ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và 1 người con. Cụ thể, đối với hội chứng “4-2-1”, khi còn nhỏ đứa trẻ được 6 người chăm sóc, nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Trong khi đó, với cuộc sống ở xã hội hiện đại, mỗi đứa trẻ đểu được chăm sóc, nâng niu một cách tỉ mỉ; chính vì thế mà khi mang trên vai bổn phận, nhiệm vụ phải chăm sóc 6 người thì dường như không thể sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như các kỹ năng cần thiết. GS. TS Nguyễn Đình Cử cho rằng “Nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ dẫn đến già hoá dân số khi tỷ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao”.
Nhìn chung, mức sinh giảm tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Để giải quyết chênh lệch mức sinh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có Quyết định số 2324/QĐ-BYT ngày 05/6/2020 ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Điều chỉnh mức sinh, trong đó nêu rõ cần đạt mục tiêu đến năm 2030 của vùng mức sinh thấp là tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con).
Thực hiện nhiệm vụ tham mưu, xây dựng dự thảo Luật Dân số, Cục Dân số đề xuất các giải pháp để cân bằng mức sinh giữa các vùng, nhất là vùng có mức sinh thấp và mức sinh thay thế. Theo đó, đề cương dự thảo Luật Dân số đã đề xuất nhiều biện pháp về cải thiện mức sinh mới như: thực hiện chương trình tư vấn trước khi kết hôn; đưa nội dung về điều chỉnh mức sinh vào hương ước, quy ước của thôn, bản, tổ dân phố trên cơ sở tự nguyện, thỏa thuận, thống nhất của thôn, bản, tổ dân phố,….
Với các tỉnh, thành có mức sinh thấp, địa phương cũng cần tập trung các hoạt động tuyền truyền, khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương cần xác định được thực trạng và xu hướng mức sinh tại địa bàn để có kế hoạch cụ thể, thực tiễn và triển khai hiệu quả./.
Tác giả: Nguyễn Thu Quỳnh
Nguồn tin: cpts.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn