Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ ba - 03/09/2024 22:22Lượt xem: 412
Phân bố dân cư hợp lý là một trong 6 chính sách nổi bật được đề xuất trong xây dựng Luật Dân số.
Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế-xã hội có sự khác biệt đáng kể
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số 2019, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0h ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, tụt 2 bậc so với cách đây 10 năm, và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines).
So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).
Tỉ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỉ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.
Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế-xã hội có sự khác biệt đáng kể, vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm gần 23,4%; tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người, chiếm 21,0%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.
Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người, chiếm 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỉ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.
Toàn quốc có 82.085.729 người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và 14.123.255 người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước. Địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc khác là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Tại vùng trung du và miền núi phía bắc, nhóm dân tộc khác chiếm 56,2%; con số này ở vùng Tây Nguyên là 37,7%; ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 10,3%; ở các vùng khác, tỉ lệ này chiếm không quá 8%....
Đề xuất chính sách về phân bố dân cư hợp lý trong xây dựng Luật Dân số
Bộ Y tế hiện đang tập trung xây dựng dự án Luật Dân số với mục tiêu chuyển trọng tâm chính sách từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 và trình Quốc hội vào tháng 10/2025. Trong đó có nhiều chính sách được đề xuất thay đổi để phù hợp với tình hình, bối cảnh dân số hiện nay.
Hiện nay, phân bố dân số đã có hợp lý hơn, gắn với đô thị hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tỷ lệ dân số đô thị đã tăng từ 20% năm 1993 lên 38,1% năm 2023.
Các chính sách này bao gồm: Chính sách "Duy trì mức sinh thay thế"; Chính sách "Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên"; Chính sách "Thích ứng với già hóa dân số, dân số già"; Chính sách "Phân bố dân số hợp lý"; Chính sách "Nâng cao sức khỏe dân số"; Chính sách "Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội".
Về chính sách phân bố dân cư hợp lý, theo Bộ Y tế, mục tiêu của chính sách là: Xây dựng các giải pháp phân bố dân cư hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, thiên nhiên gắn với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Thực hiện quyền tự do đi lại, cư trú theo quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết quốc tế của Việt Nam về di cư, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để bảo đảm phân bố dân số hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo điều kiện thuận lợi cho người di cư tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, thông tin truyền thông, nước sạch…; thu hút, tạo điều kiện cho người dân sinh sống ổn định, lâu dài ở các khu vực khó khăn, trọng yếu về an ninh, quốc phòng.
Nội dung chính sách cụ thể:
- Nhà nước thực hiện việc phân bố dân số hợp lý giữa khu vực nông thôn, đô thị, vùng địa lý kinh tế, các đơn vị hành chính; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên, thiên nhiên gắn với công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
- Quy định các biện pháp điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; phân bố dân số nông thôn, đô thị, vùng thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo (địa bàn có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh), vùng dân di cư tự do, khu rừng phòng hộ, đặc dụng; di cư trong nước và di cư quốc tế...
Các chuyên gia dân số cho rằng, dự án Luật Dân số sẽ giúp ứng phó với tốc độ già hóa dân số nhanh trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước, hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.