Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ hai - 21/08/2017 05:20Lượt xem: 1224
Toàn cảnh Hội thảo
Chiều ngày 10/8, Sở Y tế Hà Nội và Chi cục Dân số - KHHGĐ phối hợp tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo đề án chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT) trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 – 2025.
Tham dự hội thảo có nhiều đồng chí là lãnh đạo của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, Viện nghiên cứu khoa học và các Sở, Ban, Ngành, Trung tâm dân số, Hội Người cao tuổi tại Hà Nội. Chủ trì hội thảo là PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
PGS.TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo
Theo báo cáo Dự thảo đề án của đồng chí Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ HN, sự già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra nhanh chóng. Năm 2016, Việt Nam có hơn 10 triệu NCT, trong đó Hà Nội có gần 1 triệu NCT và số người trên 80 tuổi chiếm khoảng 180 nghìn. Tuy nhiên, hệ thống an sinh xã hội của nước ta chưa thực sự quan tâm đầy đủ đến việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) cả về thể chất lẫn tinh thần cho đối tượng này. Gánh nặng bệnh tật đè nặng lên sức khỏe của họ trong khi số lượng NCT tham gia bảo hiểm y tế chưa cao. Bên cạnh đó, các hình thức CSSK chưa được hình thành rộng rãi và có hệ thống; việc xã hội hóa CSSK NCT còn nhiều vướng mắc và chưa có chính sách đồng bộ, không khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tham gia. Đây là một thực trạng đáng lo ngại trong công tác CSSK cho NCT trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Do đó, để đáp ứng nhu cầu CSSK NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, đề án của Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ mang ý nghĩa thiết thực, đồng thời góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT và các Chiến lược quốc gia về dân số nói chung.
Đồng chí Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội trình bày Báo cáo Dự thảo đề án
Về cơ bản, Dự thảo đề án đặt ra 4 mục tiêu bao gồm những chỉ tiêu cụ thể dự kiến hoàn thành trước năm 2025: - Một là, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia CSSK NCT. - Nâng cao sức khỏe NCT trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ CSSK ban đầu của NCT. - Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của NCT với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà…). - Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu CSSK dài hạn của NCT tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở CSSK tập trung.
Trên cơ sở những mục tiêu trên, Dự thảo đề án đặt ra những giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu với nguồn vốn và kinh phí dự kiến khoảng 150,490 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn xã hội hóa khoảng 57,8 tỷ đồng.
Tham dự hội thảo, nhiều đại biểu cùng các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, tham luận tập trung vào những nhóm vấn đề chủ yếu như: thực trạng NCT và CSSK NCT, 4 nhóm mục tiêu, vấn đề xây dựng bệnh viện lão khoa, vấn đề đào tạo đội ngũ nhân lực, vấn đề kinh phí thực hiện v.v…Tuy nhiên, tất cả các đại biểu và các nhà khoa học đều nhất trí rằng đề án là cần thiết và đòi hỏi sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố.
GS.TS. Phạm Thắng, Viện trưởng Viện Lão khoa Trưng ương: “Chúng ta còn thiếu mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng NCT, bên cạnh đó cần phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực bác sĩ gia đình, điều dưỡng viên và các ngành liên quan để phục vụ cho nhu cầu CSSK NCT lớn hiện nay”.
Tiến sĩ Lê Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa: "Cần xem xét việc xây dựng bệnh viện. Nếu cần thiết, có thể chuyển đổi chức năng của một bệnh sẵn có để thành lập bệnh viện cho NCT”.
GS.TS. Nguyễn Đình Cử: "Số lượng NCT của nước Pháp tăng lên gấp đôi trong vòng 115 năm, trong khi Việt Nam chỉ mất 20 năm. Đề án CSSK NCT là rất thiết thực và chúng ta cần làm rõ thực trạng NCT ở Hà Nội hiện nay để xây dựng khung giải pháp chi tiết hơn nữa”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Thu Oanh, Phó ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Hà Nội đóng góp ý kiến
Đại diện Hội Người cao tuổi TP Hà Nội đóng góp ý kiến
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội phát biểu
Đề án dự kiến chia làm 2 giai đoạn cơ bản:
Giai đoạn 1 (2017 – 2020): khảo sát, tổng hợp thực trạng tình hình NCT trên địa bàn; xây dựng thí điểm các mô hình CSSK NCT tại cộng đồng; vận động các chính sách hỗ trợ của TP.
Giai đoạn 2 (2021 – 2025): triển khai và nhân rộng các hoạt động trên địa bàn TP; đánh giá hiệu quả thực hiện dự án.
Tác giả: Hoàng Phương
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền