Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ tư - 08/05/2024 05:15Lượt xem: 122
Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là bệnh máu di truyền bẩm sinh phổ biến trên Thế giới và Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều người mang gen bệnh nhưng không biết mình mang gen. Do đó, tỷ lệ hai người cùng mang gen bệnh Thalassemia kết hôn với nhau ngày càng cao, điều này đã và đang ảnh hưởng xấu tới chất lượng dân số và sự phát triển giống nòi; đồng thời gây ra những hậu quả nghiêm trọng, là gánh nặng cả về vật chất và tinh thần cho những gia đình có con em mắc bệnh và toàn xã hội.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 13 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20-40%. Người bị bệnh và mang gene bệnh có ở tất cả các tỉnh, thành phố, dân tộc. Hiện nay, có hơn 20.000 người bệnh đang cần được điều trị. Mỗi năm, có thêm khoảng 8.000 trẻ sinh ra mắc bệnh, trong số này có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng, cần được điều trị cả đời. Tại huyện Thạch Thất, trong năm 2023, qua kết quả xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh do Trung tâm y tế huyện Thạch Thất phối với Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội, Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương tổ chức cho 938 học sinh trường Trung học phổ thông Bắc Lương Sơn, kết quả có 258 học sinh mang gen hoặc nghi ngờ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh chiếm tỷ lệ 27.5%. Sáng ngày 8/5, Trung tâm y tế huyện Thạch Thất đã tổ chức truyền thông lưu động với 1 xe cổ động và 15 xe, cờ diễu hành cùng hơn 30 cán bộ y tế tham gia diễu hành tại các tuyến đường chính huyện và 23 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới (8/5) với chủ đề chung của năm 2024: “Tăng cường phổ cập thông tin và tiếp cận dịch vụ về bệnh tan máu bẩm sinh để góp phần nâng cao chất lượng giống nòi Việt”
Thông qua việc tuyên truyền lưu động nhằm phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày Thalassemia thế giới; nguyên nhân, giải pháp chủ yếu trong phòng và điều trị bệnh Thalassemia. Qua đó, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình và cộng đồng về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống; tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Song song với việc tổ chức truyền thông lưu động, trong thời gian này Trung tâm y tế huyện cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình tại địa phương thông qua các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự. Tổ chức cung cấp thông tin, tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok,... tới các tầng lớp Nhân dân và các đối tượng là vị thành niên/thanh niên, nam giới và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho các nhóm đối tượng tại cộng đồng thông qua các hoạt động (hội nghị, lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề...) của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và của hệ thống y tế - dân số cơ sở. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân cho thanh niên trước khi kết hôn, tổ chức khám sàng lọc, quản lý, theo dõi, tư vấn các đối tượng có nguy cơ cao, các trường hợp đang điều trị tại cộng đồng theo quy định./.
Tác giả: Phùng Hồng - TTYT Thạch Thất
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền