Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 10/10/2024 04:49Lượt xem: 196
Sáng ngày 10/10, Trung tâm Y tế Hà Đông phối hợp với Chi cục Dân số tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe cho 120 hội viên Hội người cao tuổi các phường Hà Cầu, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Kiến Hưng.
Theo báo cáo của Giảng viên Lê Thị Lan Hương - Cục Dân số, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn dân số già từ năm 2011. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số rất già vào năm 2036 với tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đạt 20,1%. Cũng theo dự báo, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng chưa thích ứng với già hóa dân số nhanh; do vậy việc để người cao tuổi biết cách phòng tránh một số bệnh thông thường, tự chăm sóc để nâng cao sức khỏe, giảm biến chứng khi mắc các bệnh mạn tính là vô cùng quan trọng. Nội dung chính của buổi tập huấn tập trung chia sẻ, hướng dẫn những kiến thức cơ bản đối với sức khỏe của người cao tuổi, các bệnh thường gặp, cách nhận biết và cách phòng tránh một số bệnh người già, các nội dung về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, nhất là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi để phòng tránh như: bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não,… Đồng thời khuyến khích người cao tuổi cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, các hội viên cũng được hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi S-Health. Đây là ứng dụng di động đầu tiên về chăm sóc sức khỏe từ xa cho người cao tuổi, S-Health cung cấp những thông tin cập nhật thường xuyên về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, kiến thức liên quan tới việc duy trì một chế độ dinh dưỡng tốt và phù hợp với người cao tuổi và kinh nghiệm chăm sóc người cao tuổi. Ứng dụng S-Health cũng có phần tính năng giúp người cao tuổi có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe hàng ngày và nâng cấp tính năng hẹn lịch như đặt lịch nhắc nhở uống thuốc, lịch khám sức khỏe, cho phép các thành viên trong gia đình có thể kết nối với nhau trên app. Với tính năng như vậy, các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau hỗ trợ người cao tuổi trong việc truy cập và sử dụng ứng dụng, chia sẻ thông tin về sức khỏe và quản lý tình trạng sức khỏe của người cao tuổi từ xa. Nút SOS trong ứng dụng sẽ tự động gửi định vị GPS của người cao tuổi tới người thân trong gia đình trong các trường hợp khẩn cấp.Ứng dụng cũng đồng thời kết nối mạng lưới bác sĩ gia đình và viện dưỡng lão để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi trong cuộc sống hằng ngày hay trong các tình huống khẩn cấp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, quận Hà Đông đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng. Cụ thể, đã triển khai mô hình “Chăm sóc Người cao tuổi tại cộng đồng” trên địa bàn phường Đồng Mai, Yên Nghĩa, mô hình “Chăm sóc Người cao tuổi tại cộng đồng” năm thứ nhất trên địa bàn phường Mộ Lao, Phú La và năm thứ hai tại phường Nguyễn Trãi, Dương Nội. Thông qua hoạt động mô hình, người cao tuổi được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tư vấn chăm sóc sức khỏe, khám sức khỏe miễn phí… Từ đó cải thiện, nâng cao sức khỏe, thể chất, tinh thần cho người cao tuổi. Đây là mô hình bổ ích thu hút được đông đảo người cao tuổi tham gia giúp người cao tuổi “Sống vui-sống khỏe-sống có ích.” Đồng thời, hưởng ứng ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6), đã tổ chức 17 cuộc truyền thông với hơn 2.000 người tham dự.
Một số hình ảnh tại lớp tập huấn: