Chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ đợt I năm 2013 tại Gia Lâm với nhiều bước chuyển biến mới

Thứ tư - 30/04/2014 09:21    Lượt xem: 1254
Với quyết tâm cao, ngay từ đầu năm 2013, Ban chỉ đạo Chiến dịch huyện đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 16/01/2013 đến các xã, thị trấn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên Ban chỉ đạo.
        Năm 2012, với những khó khăn chung của ngành Dân số, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của huyện tăng 3.95% so với năm 2011( tăng cao nhất từ trước đến nay); Tỷ số giới tính khi sinh là 117 bé trai/100 bé gái (cao hơn mức trung bình của Thành phố); Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản còn cao 58.4%, ý thức chấp nhận thực hiện gia đình qui mô nhỏ - ít con (1 hoặc 2 con) trong người dân chưa thực sự bền vững.
       
      Do vậy, năm 2013, Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản – KHHGĐ được triển khai quyết liệt tại 22/22 xã, thị trấn. Với quyết tâm cao, ngay từ đầu năm 2013, Ban chỉ đạo Chiến dịch huyện đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 01/KH-BCĐ ngày 16/01/2013 đến các xã, thị trấn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên Ban chỉ đạo với mục tiêu đảm bảo Chiến dịch thực hiện các biện pháp tránh thai lâm sàng đạt 80% kế hoạch năm, chiến dịch đợt I đạt 60% kế hoạch năm; đảm bảo 95% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về SKSS/KHHGĐ; khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản thường gặp cho 100% đối tượng phát hiện mắc bệnh; tuyên truyền nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, từng bước nâng cao chất lượng dân số và chất lượng cuộc sống. Chiến dịch được triển khai thành 3 đợt (đợt I: tổ chức tại 22 xã, thị trấn từ cuối tháng 1 đến 25/4/2013; đợt II tổ chức tại các xã, thị trấn chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm từ 01/7 đến 25/9/2013; các xã, thị trấn chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra chủ động tổ chức Chiến dịch đợt III).
 
       Chiến dịch tập trung vào hai gói dịch vụ chủ yếu là kế hoạch hóa gia đình và phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản. Sau hơn 2 tháng triển khai và tổ chức thực hiện Chiến dịch đợt I, kết quả đạt được có nhiều chuyển biến và khởi sắc hơn những năm trước cả về chất lượng, quy mô và mức đầu tư kinh phí. Các chỉ tiêu KHHGĐ trong Chiến dịch đợt I đều vượt kế hoạch đề ra đặc biệt là dụng cụ tử cung đạt 66.1% kế hoạch năm và 82.6% kế hoạch chiến dịch; triệt sản đạt 87.5% kế hoạch chiến dịch; các biện pháp tránh thai phi lâm sàng như bao cao su, thuốc uống, thuốc tiêm tránh thai đều đạt và gần đạt 100% kế hoạch năm, một số xã có kết quả nổi bật như: Thị trấn Yên viên, Yên Thường, Đa Tốn, Văn Đức, Phú Thị,... Hơn nữa, Chiến dịch đợt I năm nay ghi nhận sự quyết tâm và đầu tư lớn về kinh phí, tổng kinh phí cho Chiến dịch đợt I toàn huyện là 178.944.000 đồng, đặc biệt một số xã như: Thị trấn Yên Viên, Ninh Hiệp, Kim Sơn, Kim Lan, Phú Thị đầu tư lớn và cao hơn so với năm 2012.
 
      Tuy nhiên Chiến dịch vẫn còn gặp phải không ít khó khăn do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, chưa thực sự quan tâm và coi trọng sức khỏe của bản thân nên vẫn còn tình trạng “tham công tiếc việc” không đến khám kiểm tra sức khỏe trong ngày chiến dịch. Hơn nữa, thời gian tổ chức dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ diễn ra trong ngày (không phải ngày nghỉ) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng đặc biệt là công nhân làm trong khu công nghiệp.
 
      Có thể nói Chiến dịch tăng cường tuyên truyền lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản/ kế hoạch hoá gia đình là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần tích cực trong công tác ổn định dân số đồng thời nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, đây thực sự là nền tảng cần thiết trong việc hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của nhân dân về dân số/SKSS/KHHGĐ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây