Theo thống kê của trang Happyplanetindex.org, nước có chỉ số HPI cao nhất là Costa Rica (44,7), xếp thứ nhất trong số 140 quốc gia. Các nước nằm trong top 5 lần lượt là Mexico (40,7), Columbia (40,7), Vanuatu (40,6), Việt Nam (40,3).
Chỉ số HPI của nước Mỹ xếp thứ 108/140 với chỉ số HPI là 20,7. Đất nước có chỉ số HPi thấp nhất thế giới là nước Cộng hòa Chad, một quốc gia không giáp biển tại Trung Phi với chỉ số HPI là 12,8.
Mặc dù chất lượng cuộc sống của người Việt chỉ đạt 5.5/10, thấp hơn nhiều so với các nước khác trong top 10 nước có chỉ số HPI cao nhất, nhưng vẫn cao hơn Hong Kong. Người Việt có tuổi thọ trung bình ấn tượng: 75,5 năm. Cả Việt Nam và Gambia đều có nền kinh tế tương tự với chỉ số GDP/người gần bằng nhau, nhưng người dân Việt Nam sống thọ hơn khoảng 17 năm.
Việt Nam cũng được đánh giá cao về dịch vụ công, tỷ lệ phổ cập giáo dục cao. Năm 2012, tỷ lệ trẻ em nhập học của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới với 98%. Số trường cao đẳng, đại học của nước ta cũng tăng nhanh chóng. Số người nghèo đói đã giảm mạnh từ 58% (1993) còn 10,7% (2010).
Đất nước Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mặc dù nền kinh tế của họ không mấy phát triển. Để người dân sống hạnh phúc thực sự, quốc gia đó không nhất thiết phải giàu có, phát triển. Quan trọng là người dân ở đó có thể sống thoải mái. Một đất nước hạnh phúc là nơi người dân luôn cảm thấy họ sống có ích, muốn chia sẻ và cống hiến cho cộng đồng.
Nhiều nhà xã hội học cho rằng, hạnh phúc thực sự dựa trên tiêu chí về sự đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của người dân, các dịch vụ cơ bản của cuộc sống như y tế, giáo dục được đáp ứng thiết thực. Hạnh phúc thực sự là một người dân đều muốn sống có ích và cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa. Một người có hạnh phúc hay không bắt đầu từ những thứ giản dị như thế.
- Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) là chỉ số do NEF (New Economics Foundation - một tổ chức nghiên cứu kinh tế - xã hội có trụ sở chính tại Vương quốc Anh) công bố. Kết quả dựa vào các số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do chính NEF điều tra. Chỉ số này nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường, do vậy đây không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của quốc gia, điều này có nghĩa là một nước có chỉ số HPI cao chưa chắc đã là nước hạnh phúc thực sự mà có thể chỉ vì họ không khai thác quá nhiều tài nguyên.
- Dấu chân sinh thái (Ecological footprint) là một thuật ngữ mới được sử dụng vào những năm 1990 bởi các nhà khoa học thuộc trường Đại học British Columbia là William E.Rees và Mathis Wackernagel. Theo đó, dấu chân sinh thái là một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người, bề mặt xây dựng cơ sở hạ tầng, diện tích hấp thụ cacbon điôxít, khả năng chứa đựng và đồng hóa chất thải.
Tác giả: Thu Hoài (Theo Trí thức trẻ/NEF)
Nguồn tin: Trang tin điện tử Cafef.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn