Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 14/04/2022 06:01Lượt xem: 581
Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, đến năm 2038, nhóm dân số trên 60 tuổi ở nước ta có khoảng 21 triệu người, chiếm hơn 20% dân số. Việt Nam sẽ chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang “dân số già”. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thích ứng kịp với tốc độ “già hóa dân số” tăng nhanh ở nước ta. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải nhanh chóng lấp đầy các khoảng trống trong hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
HỆ THỐNG Y TẾ VỀ LÃO KHOA CHƯA ĐẦY ĐỦ
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), năm 1989, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 65,2 tuổi. Thế nhưng, chỉ 30 năm sau, tuổi thọ bình quân ở nước ta lên tới 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71 tuổi và nữ giới là 76,3 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ khỏe mạnh vẫn còn thấp. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người cao tuổi là nam giới có tới 8 năm phải sống với bệnh tật và nữ giới là 11 năm. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, các nhà khoa học đã chứng minh, chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe một người cao tuổi cao gấp 8 lần so với một trẻ em.
Thế nhưng, việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống y tế lão khoa chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được nhu cầu giải quyết các bệnh mạn tính - bệnh đặc trưng của người cao tuổi. “Một số địa phương vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, như: Khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe người cao tuổi từ y tế cơ sở... Không những vậy, nguồn nhân lực bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành lão khoa cũng thiếu, nên chưa có nhiều hoạt động tư vấn, phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan dẫn chứng.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương, Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ “già hóa dân số” nhanh nhất trên thế giới. Thách thức của số người cao tuổi bùng nổ là việc đào tạo bác sĩ lão khoa chưa kịp thời. Nhân lực chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người nhà. Lực lượng điều dưỡng, bác sĩ chuyên về lão khoa còn mỏng, thiếu kiến thức về lão khoa…
Tại Hà Nội, số người cao tuổi hiện nay là 1,2 triệu người, chiếm 15% dân số của thành phố. Tốc độ gia tăng người cao tuổi khoảng 5% và là mức cao. Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Hà Nội) Tạ Quang Huy đã chỉ ra những khó khăn khi triển khai chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn thành phố. Đó là, một số cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Kinh phí dành cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại cơ sở còn ít, nhất là trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay…
Người cao tuổi phải đối diện với gánh nặng bệnh tật và
thường mắc các bệnh mạn tính, trung bình một người có 3 bệnh
Tuổi thọ bình quân của nước ta hiện nay là 73,6 tuổi nhưng tuổi thọ khỏe còn thấp
CHUẨN BỊ CHO TUỔI GIÀ NGAY TỪ KHI CÒN TRẺ
Người cao tuổi phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, trung bình một người có 3 bệnh: Huyết áp, tim mạch, đái tháo đường. Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Hòa Bình, cần phải xây dựng chiến lược chăm sóc và điều trị dài hạn cho người cao tuổi. Trong đó tập trung xây dựng các tuyến y tế, nhất là tuyến y tế cơ sở; tăng cường phổ biến kiến thức để người cao tuổi có thể tự biết cách chăm sóc sức khỏe cá nhân… Đồng thời, phát triển mạng lưới tình nguyện viên, đội ngũ điều dưỡng viên để giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi kịp thời. Đặc biệt, cần đẩy mạnh xây dựng các bệnh viện lão khoa, các khoa lão trong các bệnh viện để có thể chăm sóc chuyên biệt cho người cao tuổi.
Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lan, thời gian tới, để chăm sóc người cao tuổi tốt hơn cần quy định và vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng Quỹ “Chuẩn bị cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ” để giảm gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước; sớm xây dựng ý thức trách nhiệm với chính mình của mỗi công dân trong chăm sóc sức khỏe khi tuổi cao.
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thành phố đang tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể, trong đó có việc thành lập bệnh viện lão khoa của thành phố. Sở Y tế Hà Nội đã giao nhiệm vụ này cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Bên cạnh đó, thành lập khoa lão khoa ở các bệnh viện đa khoa cấp thành phố; các bệnh viện đa khoa tuyến huyện dành số giường bệnh nhất định cho người cao tuổi. Thành phố cũng đang rà soát, đánh giá để thành lập các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi; đồng thời, xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn dựa vào cộng đồng, tập trung vào nhóm người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa…
Tác giả: Thu Trang
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền