Chi cục Dân số Hà Nộihttps://dskhhgdhanoi.gov.vn/uploads/logo-icon-removebg-preview.png
Thứ năm - 28/01/2021 22:45Lượt xem: 3504
Kể từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời và đi vào cuộc sống, chúng ta đã có nhiều hành động, chương trình, chiến lược để xóa bỏ bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình vẫn tồn tại phổ biến do sự quyết định của vai trò giới còn rất lớn.
Từ chuyện dạy con cái Nhà có hai đứa con, một trai và một gái. Khi con gái lên 9, lên 10, chị Nguyễn Thị Thu An (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu dạy con làm việc nhà. Việc dạy con gái làm việc nhà, vào bếp nấu ăn, rửa bát của chị An nhằm hai mục đích: Đỡ đần cho mình và rèn cho con gái kỹ năng về nội trợ, quán xuyến việc nhà để sau này thực hiện tốt vai trò làm mẹ, làm vợ. Chị An cho rằng, phụ nữ dù có hiện đại bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không thoát khỏi vai trò nội trợ trong gia đình. Do đó, việc con gái phải học để biết làm những việc này từ lúc nhỏ là rất cần thiết.
Do quan niệm như thế nên việc nuôi dạy con trai, con gái cũng rất khác nhau trong gia đình chị An. Lâu nay, chồng chị vẫn đảm nhiệm vai trò trụ cột kinh tế, ngoài việc kiếm tiền ra, về nhà anh không phải làm bất cứ việc gì, vì mọi việc đã có vợ đảm nhiệm. Do vậy, con trai chị từ nhỏ đến lớn cũng đều được dạy bảo là phải học hành thật giỏi để sau này có công việc tốt, nuôi vợ con, phụng dưỡng bố mẹ. Hàng ngày, chồng chị và con trai có thể nghiễm nhiên ngồi xem ti vi, chơi game chờ cơm chị nấu. Ăn cơm xong, con trai được phép ra ngoài ngồi chơi với bố còn con gái phải ở lại phụ mẹ dọn dẹp bát đũa. Đã rất nhiều lần, con gái chị khóc tức tưởi bảo bố mẹ thiên vị con trai hơn con gái. Rằng, nó làm em bé hơn anh nhưng lúc nào cũng phải phụ mẹ nấu cơm, rửa bát, trong khi anh trai lớn lại chả phải mó tay vào việc gì. Cứ thế, bài học định vị về vai trò giới ấy cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong gia đình chị An. Nó vô tình ăn sâu vào suy nghĩ của hai đứa con của anh chị. Câu chuyện dạy con theo vai trò giới này không chỉ diễn ra trong ngôi nhà của chị An, mà nó trở thành câu chuyện phổ biến trong đại đa số gia đình Việt. Sở dĩ có tình trạng phân biệt vai trò giới này là do ảnh hưởng từ tư tưởng phong kiến, trọng nam khinh nữ và mặc định vai trò giới lâu nay trong văn hóa gia đình Việt. Đến "quyền" của người chồng và nghĩa vụ của người vợ Trong các gia đình Việt lâu nay vẫn tồn tại câu chuyện người chồng nắm quyền còn người vợ có nghĩa vụ phải thực hiện. Chính điều này đã gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa vợ và chồng. Bởi trên thực tế, pháp luật ghi nhận vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, để thực hiện sự bình đẳng đó vẫn còn rất gian nan đối với những người vợ. Xét riêng ở lĩnh vực quyền sở hữu tài sản trong gia đình. Đối với các gia đình Việt lâu nay, tài sản trong gia đình lớn nhất vẫn là đất đai. Do đó, về mặt pháp luật hiện hành, phụ nữ có quyền bình đẳng khi tiếp cận với đất đai. Điều này được quy định trong Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật khác. Quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ được thể hiện qua việc quyền đứng tên sở hữu trong chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là quyền được pháp luật thừa nhận, bảo vệ để đảm bảo sự bình đẳng trong quyền lợi tài sản.
Luật quy định là vậy, nhưng thực tế lại cho thấy tỷ lệ phụ nữ được đứng tên trên giấy tờ sở hữu đất đai so với nam giới vẫn còn khoảng cách khá xa. Tình trạng người chồng đứng tên một mình trong các giấy tờ sở hữu đất đai, nhà vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc vợ không có tên trong chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà cửa là... bình thường, và chỉ có người chồng mới có quyền đứng tên sở hữu. Do đó dẫn tới hệ quả là phụ nữ dễ mất quyền lợi về tài sản khi vợ chồng ly hôn. Sở dĩ có tình trạng này là do phụ nữ chưa nhận thức đầy đủ về quyền được đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc họ không có tên trong đó đã trực tiếp làm giảm vai trò và vị thế của họ trong sử dụng đất đai vào mục đích phát triển kinh tế gia đình, cải thiện sinh kế. Khi người chồng đứng tên một mình trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng nghĩa với việc người chồng luôn có quyền quyết định tài sản được xem là có giá trị lớn nhất của gia đình. Mặt khác, quan niệm lạc hậu từ các gia đình cũng là nguyên nhân cản trở phụ nữ tiếp cận quyền sở hữu đất đai, nhà cửa. Chuyện di chúc chia tài sản trong gia đình đa số đều không dựa trên sự bình đẳng nam nữ mà chủ yếu dựa trên yếu tố con trai và con gái. Quan niệm con trai được thừa kế tài sản hương hỏa tổ tiên để thờ phụng, con gái lấy chồng là thuộc về nhà chồng, hưởng phúc nhà chồng. Nhưng ở gia đình chồng, con dâu lại thường không được bố mẹ chồng đưa vào danh sách hưởng thừa kế mà chỉ để lại cho con trai, cháu trai nối dõi. Do vậy, khi hôn nhân có vấn đề, phụ nữ vẫn là những người yếu thế chịu nhiều thiệt thòi nhất. Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn để xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình phải bắt đầu từ sự thay đổi nhỏ nhặt nhất trong việc nuôi dạy con cái hàng ngày, vai trò, sự chia sẻ của vợ chồng. Những định kiến về vai trò giới "đàn bà xó bếp" cần phải được xóa bỏ. Thông điệp phụ nữ phải đảm đang "giỏi việc nước đảm việc nhà" cũng cần phải xem xét lại theo một góc độ khác. Bởi khi người phụ nữ ra ngoài tham gia việc xã hội, họ cần được chia sẻ và giải phóng một phần việc nhà. Nếu không họ sẽ phải chịu "gánh nặng kép", vừa phải giỏi việc cơ quan, lại đảm đang việc nhà. Trong khi đàn ông vẫn chỉ thực hiện mỗi một nhiệm vụ là "giỏi việc nước". Việc phải chịu "gánh nặng kép" sẽ tạo nên bất bình đẳng trong gia đình, và tạo thêm nhiều áp lực cho người phụ nữ. Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật để phụ nữ nhận thức đầy đủ hơn quyền của mình cần phải được đẩy mạnh hơn, với nhiều hình thức. Làm thế nào để cả nam giới và phụ nữ đều thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của mình. Có như vậy, tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình mới dần được xóa bỏ.
Tác giả: Hạ Thi
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://dskhhgdhanoi.gov.vn là vi phạm bản quyền