Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Hà Nội: Đầu tư mang tính nhân văn

Thứ tư - 30/04/2014 09:26    Lượt xem: 1443
Ông Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết: Việc tăng cường dịch vụ chăm sóc SKSS tới người dân trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không chỉ nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao chất lượng dân số mà nó còn thể hiện tính nhân văn vì sức khỏe và hạnh phúc của mỗi người dân.
Tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở Hà Nội: Đầu tư mang tính nhân văn

Từ đầu năm đến nay, ngành Dân số Hà Nội đã tổ chức 211 cuộc tọa đàm tại 211 xã, thị trấn của 19 quận, huyện có mức sinh cao, triển khai Chiến dịch chăm sóc SKSS đợt 1 tại 504/577 xã, phường, thị trấn. Ảnh: D. Ngọc

Ưu tiên địa bàn khó khăn
 
Cùng với những khó khăn chung trong công tác DS-KHHGĐ của cả nước, Hà Nội cũng có những khó khăn đặc thù riêng của mình với sự “phân hóa” rất rõ rệt. Trong khi ở nội thành mức sinh thấp, báo động về vấn đề già hóa dân số thì ở ngoại thành, mức sinh còn cao.
 
Do đó, Hà Nội vừa phải tập trung giải quyết quy mô dân số ở ngoại thành, làm mạnh công tác giảm sinh, đặc biệt là giảm sinh con thứ 3 trở lên; vừa phải tập trung quyết liệt với vấn đề nâng cao chất lượng dân số và an sinh xã hội cho người cao tuổi ở nội thành. Bên cạnh đó, việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề nóng khi Hà Nội là một trong 10 tỉnh, thành phố có tỉ số giới tính khi sinh cao nhất nước. Tỉ lệ dân số bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh, mắc các bệnh di truyền cũng là mối quan tâm lớn trong công tác nâng cao chất lượng dân số ở Thủ đô.
 
Chính vì vậy, trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ ở Hà Nội luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường chính sách, đầu tư mạnh về nguồn lực; đồng thời cũng được các bộ, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực tham gia và đạt được nhiều kết quả tốt.
 
Theo ông Tạ Quang Huy, ngành dân số Hà Nội xác định công tác DS-KHHGĐ không chỉ đi đầu trong việc nâng cao chất lượng dân số mà còn cả trong việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS cho người dân. Với đặc thù mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có cả vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nên Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội xác định dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS phải đến được với mọi người dân, đặc biệt ưu tiên cho các đối tượng ở địa bàn khó khăn.
 
“Điều chúng tôi tâm huyết nhất là dịch vụ công đã đến được với mọi đối tượng người dân. Những người phụ nữ trước đây chưa biết đến chăm sóc SKSS nay đã được hưởng dịch vụ chăm sóc này một cách tốt nhất. Đó chính là tính nhân văn của dịch vụ SKSS/KHHGĐ nói riêng và công tác DS-KHHGĐ nói chung” - Ông Huy nói.
 
Từ sự nỗ lực, tăng cường tuyên truyền, vận động, lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao, vùng khó khăn mà Hà Nội ráo riết thực hiện qua các Chiến dịch, một điều đáng mừng nhất là tỉ lệ viêm nhiễm phụ khoa ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh.  
 
Nếu năm 2010, tỉ lệ này cao ở mức khoảng 45% trong tổng số các ca được khám thì năm 2011, tỉ lệ này còn khoảng 40% và tính đến tháng 6/2012, con số này xấp xỉ 33%.
Chủ động, sáng tạo và hiệu quả
 
Ngay từ cuối năm 2011, trước dự báo mức sinh năm 2012 có những đột biến bởi quan niệm năm Nhâm Thìn là “năm đẹp” của người dân, Chi cục DS-KHHGĐ đã đẩy mạnh công tác truyền thông vận động ngay từ cơ sở. Dù kinh phí chương trình mục tiêu và ngân sách thành phố về chậm nhưng Chi cục DS-KHHGĐ đã cùng 29 quận, huyện chủ động ứng kinh phí thực hiện các hoạt động.
 
Theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục DS-KHHGĐ đã tổ chức 211 cuộc tọa đàm tại 211 xã, thị trấn của 19 quận, huyện có mức sinh cao, triển khai Chiến dịch chăm sóc SKSS đợt 1 tại 504/577 xã, phường, thị trấn. Tổ chức các hoạt động truyền thông nhóm nhỏ tại 41 xã, phường, thị trấn, vận động đối tượng trong độ tuổi 15-49 có chồng tham gia Chiến dịch đợt 1 và đợt 2. Rà soát, thu thập số liệu các cặp vợ chồng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, những gia đình sinh con một bề, những đối tượng cá biệt để tuyên truyền, tư vấn, vận động đúng đối tượng.
 
Ông Huy chia sẻ: “Năm nay, chúng tôi dành kinh phí hơn 300 triệu đồng phối hợp với Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền vận động và đưa dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến các đối tượng này”. Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc SKSS cho vị thành niên, cho phụ nữ tuổi tiền mãn kinh, cho nam giới cũng được Hà Nội đẩy mạnh.
 
Năm nay, Hà Nội tiếp tục duy trì 14 mô hình chăm sóc SKSS vị thành niên và mở rộng thêm 6 mô hình nữa bằng nguồn kinh phí của thành phố; duy trì 24 mô hình khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân và mở rộng thêm 12 mô hình,... Riêng mô hình chăm sóc SKSS cho nam giới được Hà Nội chú trọng, năm 2012 mở rộng thêm 9 mô hình nâng tổng số mô hình chăm sóc SKSS cho nam giới lên con số 15.
 
“Với các giải pháp đồng bộ nhằm triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp mà Chiến lược đề ra; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung” - Ông Huy cho biết.
 

Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan báo chí TW và Hà Nội tuyên truyền theo chuyên đề, chuyên trang về DS-KHHGĐ Thủ đô; Phối hợp với Ban thời sự Đài PTTH Hà Nội đưa nhiều tin, phóng sự quan trọng về các trọng tâm công tác DS-KHHGĐ năm 2012, phối hợp với Đài PTTH Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình "60 phút bạn và tôi" trên sóng phát thanh H1 và H2 đây là chương trình tư vấn qua điện thoại được phát sóng trực tiếp trên sóng phát thanh có liên quan đền các chủ đề về DS-KHHGĐ chăm sóc SKSS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình yêu, giới tính…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây