Mô hình đưa trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Tính ưu việt của bài học thực tiễn

Thứ tư - 30/04/2014 08:45    Lượt xem: 1566
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND quận, huyện từ cuối năm 2008. Đến nay mô hình đã khẳng định tính hiệu quả thiết thực

Vai trò quan trọng  của Trung tâm DS-KHHGĐ

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND quận, huyện cuối năm 2008, ngay sau thời điểm sáp nhập công tác DS-KHHGĐ vào ngành y tế.

Cho đến nay, mô hình hoạt động này tại Hà Nội đang ngày càng thể hiện tính ưu việt. Các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của 29 quận, huyện đều nhận thức rất rõ tầm quan trọng của công tác dân số trong việc hoạch định kinh tế - xã hội của địa phương. Chính họ đã khẳng định sẽ có trách nhiệm cao hơn khi nhận quản lý Trung tâm DS-KHHGĐ. Điều này đã và đang được cụ thể hóa bằng các hành động và kết quả trong công tác DS-KHHGĐ tại các quận, huyện ở Hà Nội. Ngoài định mức chi 5.000 đồng/người dân (hơn 36 tỉ đồng/năm) cho công tác dân số và 0,25 mức lương cơ bản cho cộng tác viên vùng không khó khăn và 0,35 mức lương cơ bản cho cộng tác viên ở vùng khó khăn (hơn 40 tỉ đồng/năm) bằng ngân sách của Thành phố, các quận, huyện đều dành riêng ngân sách cho công tác dân số trên địa bàn. Mỗi quận, huyện đều đầu tư hơn 100 triệu đồng/năm cho các hoạt động cao điểm của Ngày Dân số Thế giới 11/7, Ngày Dân số Việt Nam 26/12, Chiến dịch lồng ghép Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ…

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, UBND các quận, huyện còn giao vai trò rất quan trọng trong công tác tham mưu, chỉ đạo về công tác dân số cho các Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ. “Hiện nay, cả 29 giám đốc Trung tâm của 29 quận, huyện đều là Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của địa phương. Trong đó, các Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, các đơn vị thuộc Sở… trên địa bàn là các thành viên. Do đó, các tham mưu về công tác dân số của Phó Trưởng ban thường trực khi được UBND quận, huyện phê duyệt đều được các thành viên trong Ban chỉ đạo thực hiện một cách nhanh chóng, đồng bộ. Tương tự ở cấp xã, phường, cán bộ chuyên trách (là viên chức dân số của Trung tâm) trực tiếp tham mưu đề xuất với Đảng ủy, UBND – Ban Dân số xã lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các hoạt động về dân số trên địa bàn; huy động và phân công các ban ngành, đoàn thể tham gia công tác truyền thông, vận động ở các thôn xóm, hội, đoàn thể phụ trách…”, ông Huy cho hay.

Đến nay, 100% các quận, huyện ở Hà Nội đã ban hành Nghị quyết của HĐND, Chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các quận, huyện về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác dân số; đồng thời đó cũng là trách nhiệm tham gia của các ngành, đoàn thể; trách nhiệm đầu tư của các quận, huyện về cơ sở, vật chất, con người, kinh phí thực hiện… “Nhờ đó mà trong hai năm 2011 và 2012, khi kinh phí chương trình mục tiêu của Trung ương cấp muộn, nhưng cấp huyện đã có nguồn địa phương ứng trước cho hoạt động, do vậy đảm bảo được tiến độ cũng như các mục tiêu đề ra”, ông Huy cho biết thêm.
 
Bài học tiên quyết   cho sự thành công

Hiệu quả của mô hình đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện đã và đang được nhiều tỉnh, thành phố áp dụng. Sau Gia Lai, Quảng Trị, các tỉnh Thái Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh, Phú Thọ… đã triển khai mô hình này.
Cái được nhất của mô hình, theo bà Đinh H’Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Gia Lai là: “Được tham mưu trực tiếp, đầu tư trực tiếp và hỗ trợ trực tiếp”. Tại Quảng Trị, ông Hồ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính - thành viên Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh cho hay, ngoài việc hỗ trợ 2 tỷ đồng/năm trích trả lương cho cán bộ chuyên trách dân số xã, nguồn ngân sách địa phương còn dành cho công tác dân số khoảng 3 tỉ đồng, tương đương 5.000đ/người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huê – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình cho biết: Sau khi nghiên cứu, học tập từ Hà Nội, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thái Bình đã thành công khi tham mưu cho UBND tỉnh áp dụng mô hình này. Theo bà Huê, việc đưa Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện rất thuận lợi và là “cú hích” mạnh mẽ cho công tác DS-KHHGĐ. Khi đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện, sự quan tâm càng rõ nét, sự phối kết hợp rất đồng bộ. Cùng với Nghị quyết của tỉnh, cán bộ chuyên trách dân số ở xã làm việc tại Trạm Y tế đều có phòng làm việc riêng, được tạo điều kiện tốt nhất thực hiện công tác dân số và được UBND xã trực tiếp chỉ đạo.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây